Múa Bát Dật tại lễ hội truyền thống đền Lộng Khê. (Ảnh NGUYỄN TƯƠI)
Múa Bát Dật tại lễ hội truyền thống đền Lộng Khê. (Ảnh NGUYỄN TƯƠI)

Gìn giữ nghệ thuật truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ

Trải qua hằng trăm năm hình thành và phát triển, cùng với tên đất, tên người, những làn điệu múa, hát truyền thống như mạch nguồn vẫn âm thầm chảy trong đời sống làng quê. Đến nay, nhiều địa phương thuộc tỉnh Hưng Yên vẫn bảo tồn và phát huy những tinh hoa nghệ thuật dân tộc thấm đẫm cái chất, cái tình của người dân quê.

Ở xã Đông Quan (Hưng Yên) đang còn duy trì múa giáo cờ giáo quạt, đây là điệu múa thiêng, là niềm tự hào của người dân làng Giắng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, các thần tích, thần sắc hiện được lưu giữ và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì điệu múa giáo cờ giáo quạt do công chúa Quý Minh, con Vua Trần Duệ Tông sáng tạo ra. Đây là hình thức múa dân gian tập thể có kết hợp với múa đôi, diễn tả tâm trạng của một công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha.

Các cô lèn (cô múa) mỗi người cầm một lá cờ nhỏ và một quạt giấy để gập trong suốt quá trình múa. Khi múa, tay cờ, tay quạt lúc bên này lúc bên kia, đổi tay cờ sang tay quạt, thường được gọi là tráo cờ, tráo quạt, tiếng địa phương đọc chệch thành “giáo”. Cờ tượng trưng cho hình ảnh người anh hùng đi đánh giặc, cứu nước; cờ ngũ sắc biểu hiện cho 5 phương, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Quạt tượng trưng cho sự an nhàn, yêu đời, tôn vinh vẻ đẹp và vai trò của người phụ nữ. Ngoài ra còn có một trống cái làm hiệu lệnh để chỉ huy đội múa.

Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, nhưng niềm tự hào về điệu múa của quê hương chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí bà Bùi Thị Dược, một nghệ nhân cao niên làng Giắng. Bà đã vinh dự biểu diễn tại Pháp, Bỉ, Bồ Ðào Nha; tại mỗi nơi đều nhận được tình cảm, sự trân quý của người xem, nhất là kiều bào ta ở nước ngoài. Hiện nay, địa phương đã thành lập Câu lạc bộ truyền dạy điệu múa cổ giáo cờ giáo quạt do bà Lại Thị Thêu, một nghệ nhân tâm huyết đứng ra trực tiếp truyền dạy.

Còn tại xã A Sào (Hưng Yên) đang lưu giữ điệu múa Bát Dật, đây là điệu múa cổ thường được trình diễn tại Lễ hội truyền thống đền Lộng Khê. Múa Bát Dật có nguồn gốc cung đình gồm 3 trổ, 9 làn điệu, ca ngợi cảnh thái bình, ấm no, hạnh phúc. Hàng trăm năm trước, khi Ðại tướng quân Lê Ðô, người có công giúp Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược được tận mắt chứng kiến điệu múa đã ghi nhớ và truyền dạy lại cho người dân quê hương mình.

Điệu Bát Dật thường có sự góp mặt của 64 nghệ nhân múa linh hoạt, uyển chuyển. Ðiệu múa có nhiều lớp, ban đầu vào là kéo chữ (múa xếp thành hình các chữ), sau thì múa kéo hoa, múa dân gian, cuối cùng là múa tiên. Ðến nay, lớp trung niên trong làng ai cũng mong đến lễ hội để được hòa mình vào không khí của điệu múa cung đình cổ truyền. Bà Ðoàn Thị Hoa (65 tuổi), người đang truyền dạy điệu múa cổ cho dân làng bộc bạch: Thời trước, điệu múa Bát Dật đều do những cô gái chưa chồng, đẹp người, đẹp nết trình diễn. Còn ngày nay, do điều kiện thực tế, điệu múa được các bà tầm tuổi trung niên biểu diễn.

Đội múa Bát Dật gồm hơn 20 thành viên trong xã thường xuyên đi biểu diễn tại nhiều lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh như lễ hội các đền Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội), Lê Chân (thành phố Hải Phòng), Ngày hội Văn hóa-Thể thao truyền thống 14/10 của tỉnh Thái Bình (trước đây)… Ðiệu múa cổ Bát Dật cùng với tục đốt cây đình liệu độc đáo trong lễ hội truyền thống đền Lộng Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Xuôi về miền di sản chùa Keo thuộc xã Vũ Tiên (Hưng Yên), nơi thờ Đức Thánh Dương Không Lộ còn bảo tồn hai điệu múa ếch vồ và chèo chải cạn rất độc đáo, riêng có. Nếu như điệu ếch vồ tái hiện lại thời trai trẻ của Đức Thánh cùng cha mẹ làm nghề chài lưới, mò cá, bắt ếch mưu sinh, thì điệu múa chèo chải cạn tái hiện cảnh nhà vua cho đoàn người hộ giá chèo thuyền đến rước Đức Thánh để tưởng nhớ công đức chữa bệnh cho vua. Những làn điệu múa cổ thấm đẫm tình cảm của cư dân trồng lúa nước vùng Đồng bằng Bắc Bộ vẫn có sức sống riêng, tạo lập giá trị đặc biệt trong nhịp sống hiện đại hôm nay.

Xem thêm