Tiêu biểu là tín ngưỡng thờ thần núi, thờ nữ thần và nhất là tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Những tín ngưỡng này vừa phản ánh cội nguồn văn hóa dân gian bản địa, vừa thể hiện nhu cầu tâm linh sâu sắc của nhân dân qua các thời kỳ.
Khu danh thắng Tây Thiên tọa lạc tại xã Đại Đình, tỉnh Phú Thọ, nằm trên sườn phía nam dãy núi Tam Đảo. Nơi đây được xem là “chốn non thiêng” với núi non trùng điệp, suối nguồn trong lành, rừng cây tươi tốt, nơi giao hòa giữa trời và đất. Với vị trí địa lý đặc biệt và hệ sinh thái phong phú, Tây Thiên từ xa xưa đã là địa bàn cư trú của nhiều cộng đồng cư dân, nhất là người Việt cổ và các dân tộc thiểu số như Sán Dìu, Dao, Tày.
Trong quá trình cộng cư lâu dài, người dân nơi đây đã hình thành hệ thống tín ngưỡng thờ thần phong phú, vừa mang màu sắc bản địa vừa tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo. Từ tín ngưỡng thờ thần núi cổ xưa, đến các hình thức thờ nữ thần, thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, tất cả hợp thành giá trị văn hóa đặc sắc của danh thắng Tây Thiên.
Từ thời cổ đại, cư dân sống tại vùng núi Tam Đảo đã hình thành niềm tin vào các vị thần cai quản thiên nhiên, nhất là các ngọn núi. Trong khuôn viên ngôi đền Thoỏng có một cây cổ thụ rất lớn, dưới cây có miếu thờ Sơn thần. Phía trước đền Thoỏng còn có cây đa chín cội với nhiều sự tích nhưng đều chung một ý tôn thờ cây.
Theo tài liệu cổ, các thư tịch đã ghi nhận Thần núi Tam Đảo trong những tác phẩm như “Việt điện u linh”, “Đại Nam nhất thống chí”, “An Nam chí nguyên” và “Kiến văn tiểu lục”. Những ghi chép cho thấy vị thần chủ của núi Tam Đảo được tôn danh là Thanh Sơn Đại Vương, một vị thần có vai trò cầu mưa, phù hộ cho mùa màng bội thu và an cư lạc nghiệp.
Trong cộng đồng dân cư vùng đồi núi, tín ngưỡng thờ thần núi còn gắn với quan niệm “núi thiêng”, nơi ở của các linh hồn siêu nhiên. Tại Tây Thiên, những điểm như khe Giải Oan, suối Bạc, suối Vàng, đền Đồng Cổ… đều gắn liền với các truyền thuyết và là địa chỉ tâm linh người dân địa phương tôn kính. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo tạo nên mô hình thờ tự “tiền Phật hậu Thánh”. Tín ngưỡng thờ thần núi ở Tây Thiên không tách rời các yếu tố tôn giáo mà còn phát triển thành hình thái văn hóa tâm linh đa tầng, giàu bản sắc.
Tín ngưỡng thờ nữ thần có hai chức năng cơ bản là phù hộ mùa màng tươi tốt, người yên vật thịnh và chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương. Ở Tây Thiên, hình ảnh nữ thần là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, sự che chở và là trung tâm gắn kết cộng đồng. Các đền thờ nữ thần như đền Mẫu Sinh, đền Mẫu Hóa là nơi thể hiện rõ niềm tin này. Nghi lễ thờ cúng tại đây thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng lâu đời của người Việt với các biến thể như thờ Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa. Tại Tây Thiên, hình ảnh nữ thần không chỉ gắn với các yếu tố tự nhiên mà còn gắn với các nhân vật lịch sử-huyền thoại, mở đường cho sự ra đời tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.
Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên là nét đặc trưng nổi bật nhất trong hệ thống tín ngưỡng ở Tây Thiên. Theo thần tích, Quốc Mẫu Tây Thiên tên thật là Lăng Thị Tiêu, một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, có công dạy dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải, đánh giặc, giữ nước. Sau khi hóa thân, người dân tôn bà làm Quốc Mẫu và tôn kính như vị Thánh mẫu bảo trợ quốc gia. Mỗi năm, vào ngày rằm tháng Hai âm lịch, lễ hội Tây Thiên được tổ chức long trọng, thu hút hàng vạn du khách và tín đồ hành hương “đến với Phật, về với Mẫu”.
Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên mang đậm dấu ấn bản địa, khác biệt rõ rệt so với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ. Đây là sự kết tinh giữa truyền thuyết, tâm thức cộng đồng và yếu tố lịch sử, tạo nên hình mẫu nữ thần. Với những giá trị đặc biệt, năm 2015, khu di tích Tây Thiên được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” và đến năm 2020, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tín ngưỡng thờ thần ở Tây Thiên hội tụ hài hòa giữa tín ngưỡng bản địa, Phật giáo và văn hóa dân gian, phản ánh sự giao thoa và tiếp biến văn hóa sâu sắc của cư dân vùng núi Tam Đảo qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong đó, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên chính là đỉnh cao của hệ thống tín ngưỡng, không chỉ tôn vinh vai trò người phụ nữ trong văn hóa Việt, mà còn góp phần bồi đắp lòng tự hào, củng cố bản sắc văn hóa dân tộc ■