Quy trình đóng chai nước mắm Phú Quốc
Quy trình đóng chai nước mắm Phú Quốc

Giữ gìn nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đó là tinh hoa của đất trời, biển cả và bàn tay lao động cần mẫn của bao thế hệ người dân nơi “đảo ngọc”. Đây còn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với lịch sử hơn 200 năm, cần được giữ gìn và lưu truyền.

Nhắc đến Phú Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một hòn đảo được thiên nhiên ưu đãi với biển xanh, cát trắng, rừng nguyên sinh trù phú và sản phẩm nước mắm truyền thống đã có hàng trăm năm lịch sử. Phú Quốc có diện tích tự nhiên 593 km2, được thiên nhiên ưu đãi có nguồn cá cơm quanh năm để làm nước mắm.

Theo nhiều nguồn tài liệu, nghề làm nước mắm nơi đây có lịch sử hơn 200 năm. Đến những năm 1945, người dân đã biết dùng nguồn cá cơm để sản xuất nước mắm theo phương pháp ủ chượp tự nhiên; tuy nhiên, phương tiện, kỹ thuật sản xuất chủ yếu là thủ công, sản lượng tiêu thụ thấp. Từ sau những năm 1945, nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển và hưng thịnh.

Giai đoạn này, phương tiện, kỹ thuật sản xuất dần được cải tiến, sản lượng và chất lượng nước mắm ngày càng nâng cao, đạt từ 25-40 độ đạm, đến nay là hơn 40 độ đạm. Để sản xuất nước mắm Phú Quốc, theo Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc Đặng Thành Tài, cá cơm sau khi đánh bắt phải được muối ngay trên tàu, đem về ủ chượp trong thùng làm bằng gỗ bời lời trong thời gian từ 12-15 tháng, sau đó cho ra thành phẩm nước mắm.

“Hiện nay, hội có 50 hội viên là chủ nhà thùng, các cơ sở sản xuất nước mắm tập trung chủ yếu ở phường Dương Đông và phường An Thới với hơn 7.000 thùng gỗ chượp cá (mỗi thùng có sức chứa từ 12-15 tấn cá), tổng lượng cá bình quân khoảng 25.000-30.000 tấn, cho ra sản lượng từ 20-30 triệu lít nước mắm/năm, tính từ 25 độ đạm trở lên”, ông Tài cho biết. Với quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống, năm 2001, nước mắm Phú Quốc được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được EU công nhận chỉ dẫn địa lý. Năm 2012, nước mắm Phú Quốc được cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu (EU) và nước mắm truyền thống Phú Quốc. Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (trước đây) công nhận nghề và làng nghề chế biến nước mắm truyền thống Phú Quốc. Đáng chú ý, năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề này vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Nghề truyền thống tri thức dân gian “Nước mắm Phú Quốc”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu Phú Quốc Trần Minh Khoa, nước mắm không chỉ là một sản phẩm mà còn là một biểu tượng, một phần máu thịt, gắn bó sâu sắc với đời sống người dân đảo. Điều đặc biệt của nước mắm Phú Quốc vừa nằm ở nguyên liệu cá cơm tươi đánh bắt từ vùng biển sạch giàu sinh thái, vừa ở kỹ thuật ủ chượp trong thùng gỗ bời lời - loại gỗ rừng đặc trưng của đảo, giữ cho nước mắm có hương vị thanh tao, mặn ngọt hài hòa. “Trải qua bao thăng trầm, nghề nước mắm Phú Quốc vẫn vững vàng, dù từng bị lấn át bởi các loại nước chấm công nghiệp.

Nhưng chính phẩm chất kiên cường, chính tình yêu nghề, niềm tin vào giá trị truyền thống đã giúp các doanh nghiệp, nhà thùng nơi đây kiên trì “giữ lửa”. Ngày nay, trong hàng trăm loại nước mắm trên thị trường, cái tên “Nước mắm Phú Quốc” vẫn giữ được vị thế, được người tiêu dùng tín nhiệm và trân trọng, là “quốc hồn, quốc túy” của đảo ngọc Phú Quốc, là niềm tự hào của địa phương và của cả Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Trần Minh Khoa khẳng định. Nước mắm Phú Quốc hiện nay là thương hiệu quốc gia, đồng thời đã trở nên biểu tượng văn hóa mang tầm vóc quốc tế, đã xuất hiện tại nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, sản phẩm hiện đối mặt nhiều thách thức: Giả mạo thương hiệu, lạm dụng chỉ dẫn địa lý; áp lực cạnh tranh trên thị trường; bài toán phát triển nước mắm truyền thống trong bối cảnh du lịch-dịch vụ phát triển nhanh, đô thị hóa mạnh mẽ… Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu Phú Quốc, địa phương sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan thẩm quyền xây dựng Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn nước mắm truyền thống ngay tại Phú Quốc; bảo vệ thương hiệu, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông trong nước, khu vực và thế giới. Việc chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” được bảo hộ trong và ngoài nước, nhất là tại EU từ năm 2013, là minh chứng cho giá trị đặc thù, chất lượng vượt trội và uy tín quốc tế của sản phẩm.

Từ năm 2014 đến nay, chính quyền thành phố Phú Quốc (cũ) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý này. Quy trình kiểm soát chất lượng ngày càng chặt chẽ; số lượng cơ sở sản xuất tham gia hệ thống ngày một tăng. Năm 2014, Phú Quốc có chín doanh nghiệp có sản phẩm chỉ dẫn địa lý, số lượng hơn 318.600 lít với bốn loại sản phẩm đóng gói; đến năm 2024, đã có 21 doanh nghiệp có sản phẩm chỉ dẫn địa lý, số lượng hơn 759.600 lít với 12 loại sản phẩm đóng gói, tăng gấp ba lần so với năm 2014.

Công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được chú trọng; nhận diện thương hiệu và uy tín của nước mắm Phú Quốc ngày càng lan tỏa, góp phần khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế... “Địa phương xác định, phát triển bền vững ngành nước mắm là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai các giải pháp tích cực, đồng bộ để tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nước mắm Phú Quốc ra thế giới; phát triển du lịch gắn với văn hóa làng nghề nước mắm - một sản phẩm đặc trưng của địa phương …”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đặc khu Phú Quốc Nguyễn Lê Quốc Toàn cho biết thêm.

Xem thêm