Cây thiên tuế tại đình Phú Nhuận (phường An Hội, tỉnh Vĩnh Long) được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cây thiên tuế tại đình Phú Nhuận (phường An Hội, tỉnh Vĩnh Long) được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Bảo tồn cây di sản thiên tuế gần 200 năm tuổi

Cây thiên tuế cổ thụ gần 200 năm tuổi tại đình Phú Nhuận (phường An Hội, tỉnh Vĩnh Long) được công nhận là cây di sản vào đầu năm 2025. Cây gắn liền với sự hình thành và phát triển vùng đất Vĩnh Long, hiện được người dân chăm sóc, giữ gìn cẩn thận.

Theo tài liệu ghi chép lại, thôn Phú Nhuận thuộc tổng Bảo Hựu, hạt Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long (nay là phường An Hội, tỉnh Vĩnh Long). Tại đây, có đình Phú Nhuận tọa lạc trong khuôn viên diện tích khoảng 20.000 m2, do ông Hương chánh Tửng hiến tặng để thành lập đình. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình làng Phú Nhuận là nơi hội họp của các tổ chức cách mạng và nhân dân.

Điểm đặc biệt của đình Phú Nhuận là có cây thiên tuế cổ thụ vẫn xanh tốt dù trải qua bao biến cố của lịch sử. Trưởng ban Quản lý đình Phú Nhuận Trần Văn Kỵ cho biết: “Theo các cụ cao niên trong làng, khi đình chính được trùng tu, người dân đã tận dụng cột, kèo, áp quả, xuyên, trính… để dựng nên ngôi Tiên Sư. Khi khánh thành, nhân dân trong làng phụng cúng nhiều hoành phi mà ngày nay ngôi đình Phú Nhuận còn lưu giữ. Từ những hoành phi này khẳng định ngôi đình được trùng tu lần thứ nhất vào năm 1911. Có thể cây được trồng từ lúc người dân đến đây lập làng, dựng đình bằng cây, lá đơn sơ từ rất lâu”.

Tháng 1/2025, cây thiên tuế cổ thụ tại đình Phú Nhuận được vinh danh là cây di sản Việt Nam. Từ đó, nhiều người dân, khách du lịch thường ghé tham quan, ngắm cây. Bà Phạm Thị Dung, 70 tuổi, thường xuyên quét dọn trong khuôn viên đình Phú Nhuận cho biết: “Hầu như ngày nào cũng có khách du lịch, học sinh đến tham quan cây thiên tuế. Điều đặc biệt là cây có 10 ngọn chỉ trổ hoa một lần duy nhất trong năm vào mùa xuân. Bình thường cây vẫn xanh tốt, tán rộng cho nên đàn ong ruồi thường xuyên bay đến đây làm tổ”.

Theo hồ sơ di sản, tuy chưa xác định chính xác được thời điểm cây thiên tuế hiện diện ở đình Phú Nhuận nhưng qua đối chiếu, so sánh với độ tuổi cây thiên tuế ở các địa phương khác ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đồng Tháp; cũng như cách tính tuổi cây, ý kiến tham vấn của các chuyên gia thực vật học từ Trường đại học Nông Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh), thì có thể xác định cây thiên tuế đình Phú Nhuận khoảng 200 năm tuổi.

Hiện tại, cây cao 6m, tán rộng 6m, chu vi thân cây là 3,2m, đường kính 1,4m. Cây hơi nghiêng, từ gốc cao đến 2m chỉ một thân, từ 2m trở lên cây chia làm 2 tược, từ 2 tược này phân thành 10 ngọn, chu vi mỗi tược từ 0,5-0,8m. Cây thiên tuế đang phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, không có cây ký sinh hay nấm ký sinh. Đặc biệt, cây có khả năng kháng bệnh trong quá trình sinh trưởng, không phát hiện sâu bệnh, rệp sáp. Cây thiên tuế hằng năm trổ bông vào mùa xuân, góp phần tạo nên cảnh quan đặc biệt linh thiêng cho đình Phú Nhuận.

Ông Trần Văn Đạt, 73 tuổi (người trông coi ngôi đình) cho biết: “Cây thiên tuế cổ thụ quý hiếm này được người dân địa phương xem như bảo vật và ra sức giữ gìn. Khi được công nhận là cây di sản Việt Nam càng được người dân chăm sóc, bảo quản để góp phần giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

PGS, TS Nguyễn Công Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Cây thiên tuế tại đình Phú Nhuận được vinh danh cây di sản Việt Nam là niềm tự hào cho người dân địa phương và hướng cộng đồng bảo vệ tốt hơn cây cổ thụ quý hiếm này. Đồng thời, mang ý nghĩa rất lớn cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ cảnh quan môi trường. Từ đó, bảo tồn nguồn gien quý, đồng thời góp phần nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh”.

Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long sẽ khai thác điểm độc đáo của cây thiên tuế này để phát triển du lịch xanh và bền vững, cũng như kết nối các điểm du lịch sinh thái khác tại địa phương.

Xem thêm