Các đại biểu dự tọa đàm.
Các đại biểu dự tọa đàm.

Định hướng phát triển du lịch Ninh Bình trong không gian mới

Các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Ninh Bình cùng thảo luận, chia sẻ định hướng xây dựng sản phẩm mới, phát huy lợi thế toàn diện của địa phương, góp phần đưa ngành du lịch Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng du lịch hàng đầu miền bắc và cả nước.

Chiều 9/7, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức Tọa đàm "Định hướng phát triển du lịch Ninh Bình trong không gian mới".

Tọa đàm thu hút hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiêu biểu đến từ các xã, phường trong tỉnh tham gia.

Sự kiện nhằm thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2025),

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đã cùng thảo luận chủ đề “Phát triển du lịch Ninh Bình trong không gian mới”; đồng thời chia sẻ định hướng xây dựng sản phẩm mới, phát huy lợi thế của một địa phương vừa có biển, có vùng đồng bằng, đồi núi, sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, đô thị, góp phần đưa ngành du lịch Ninh Bình phát triển xứng tầm với tiềm năng, trở thành cực tăng trưởng du lịch hàng đầu miền bắc và cả nước trong thời gian tới.

1-5595.jpg
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Tỉnh Ninh Bình là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nơi phát tích của các triều đại phong kiến; mảnh đất đế đô; tỉnh hiện có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, tốp đầu cả nước.

Trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 di tích các loại đã được kiểm kê, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 265 di tích cấp quốc gia, 784 di tích cấp tỉnh; có 743 lễ hội truyền thống, trong đó có 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt có 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 1 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

3.jpg
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phát biểu tại tọa đàm.

Tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, có rừng, suối khoáng nóng và khoảng 90km bờ biển có thể phát triển nhiều loại hình du lịch: sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch mạo hiểm, chữa bệnh...

Ẩm thực đa dạng, độc đáo với nhiều đặc sản như phở bò, cá kho, chuối ngự, thịt dê, cơm cháy, hải sản, đặc biệt có nhiều món ăn ngon được vinh danh.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách du lịch.

Tính đến hết tháng 5/2025, tỉnh Ninh Bình (mới) có hơn 1.500 cơ sở lưu trú du lịch với gần 20.000 phòng nghỉ; 75 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; hàng chục nghìn lao động đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 50 khu, điểm du lịch.

Với tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa cùng những chiến lược xúc tiến, quảng bá bài bản, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và những người làm du lịch, ngành du lịch Ninh Bình đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách trong và ngoài nước tăng cao.

Thông qua tọa đàm, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tham vấn được nhiều ý kiến của các chuyên gia các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp lớn trong tỉnh để xây dựng đề án phát triển du lịch, các giải pháp trong quản lý, thu hút đầu tư, liên kết các sản phẩm tạo đà phát triển của du lịch Ninh Bình trong giai đoạn mới.

Xem thêm