Các nhà máy phát điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm với tổng công suất nguồn phát điện là 6.520 MW, chiếm tỷ lệ 8% công suất nguồn phát điện của cả nước.
Các nhà máy phát điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm với tổng công suất nguồn phát điện là 6.520 MW, chiếm tỷ lệ 8% công suất nguồn phát điện của cả nước.

Xây dựng trung tâm năng lượng lớn của quốc gia

Tỉnh Lâm Đồng có hai dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) (thuộc tỉnh Bình Thuận cũ) với tổng công suất 4.500 MW, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2028, hướng đến trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất của quốc gia. .

Hiện tỉnh đang xây dựng tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án để phấn đấu hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các tổ chức và hộ dân không vướng tái định cư trong thời gian sớm nhất.

NHIỀU DỰ ÁN TIỀM NĂNG

Theo Sở Công thương, tỉnh Lâm Đồng có 2 dự án điện khí LNG với tổng công suất 4.500 MW, gồm Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I có công suất 2.250 MW và Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II có công suất 2.250 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII. Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I được giao cho tổ hợp 4 đơn vị: Công ty Electricite de France SA (Pháp), Công ty Kyushu Electric Power Co. Inc (Nhật Bản), Sojizt Corporation (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (Việt Nam) làm chủ đầu tư; tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD. Dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II được giao cho Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư; tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD.

Hai dự án này đang được chủ đầu tư trình Bộ Công thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2028. Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ có diện tích hơn 3.500 ha (trong đó diện tích đất sử dụng làm kho chứa LNG khoảng 50 ha; diện tích cảng nhập LNG khoảng 3.455 ha) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Kho cảng LNG Sơn Mỹ làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư khoảng 1,34 tỷ USD, dự kiến đưa vào vận hành trong quý I/2027 nhằm xây dựng kho chứa cho hai dự án điện khí LNG nêu trên.

Hiện nay, các nhà máy phát điện trên địa bàn tỉnh đang cung cấp sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm với tổng công suất nguồn phát điện là 6.520 MW, chiếm tỷ lệ 8% công suất nguồn phát điện của cả nước. Hai dự án điện khí LNG sẽ nâng công suất phát điện của tỉnh lên 8.523 MW, chiếm tỷ lệ 10,58% tổng công suất nguồn điện quốc gia.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đã đăng ký, đề xuất để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên vùng biển tỉnh Bình Thuận cũ, với tổng công suất khoảng 25.000 MW. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát để phát triển dự án điện gió ngoài khơi Thang Long Wind.

ĐỒNG HÀNH THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, để triển khai hai dự án điện khí LNG cần giải phóng mặt bằng hơn 137 ha của 11 hộ dân và tổ chức. Tính đến giữa tháng 3, địa phương đã kiểm kê và xét xong tính pháp lý; thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 118 ha; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ hơn 117 ha. Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ cần giải phóng mặt bằng hơn 69 ha của 65 hộ dân, tổ chức; đã hoàn thành việc xét tính pháp lý cho hơn 60 ha; thông qua Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 17 ha; thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ hơn 6 ha.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét, sớm chấp thuận và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án điện khí LNG, giao chủ đầu tư triển khai dự án đường dây truyền tải điện 500 kV, 220 kV đấu nối từ Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện quốc gia; thống nhất về danh mục 2 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.000 MW trên vùng biển Bình Thuận cũ và phương án gom công suất, đấu nối, truyền tải lưới điện 500 kV, 220 kV cho các dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cập nhật danh mục dự án điện gió ngoài khơi vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; kiến nghị Trung ương có cơ chế đặc thù cho phép tỉnh sớm triển khai thí điểm hai dự án điện gió ngoài khơi giai đoạn 2025-2030. Ngoài ra, tỉnh có 9 dự án thuộc loại công trình công nghiệp năng lượng cấp I nhưng không được phép thực hiện đầu tư dự án trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia titan. Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn thực hiện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tại cuộc họp báo cáo tiến độ hai dự án điện khí LNG và kho cảng LNG Sơn Mỹ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũ cho biết, tỉnh tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng tiến độ thực hiện cụ thể, chi tiết từng dự án để phấn đấu hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các tổ chức và hộ dân không vướng tái định cư trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đất tái định cư để giải quyết nhu cầu tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, hai dự án điện khí LNG vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Đây là những dự án trọng điểm quốc gia, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất của Việt Nam với tổng công suất nguồn phát điện đến năm 2030 trên 11.000 MW.

Xem thêm