Người dân chăm sóc vườn nấm linh chi đỏ.
Người dân chăm sóc vườn nấm linh chi đỏ.

Trồng nấm dưới tán rừng tạo sinh kế bền vững

Từ những phôi nấm linh chi đỏ đầu tiên trồng thử nghiệm dưới tán rừng keo lai, mô hình này đang từng bước được nhân rộng ở các địa phương miền núi tỉnh Quảng Trị, mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là người Bru Vân Kiều.

Không chỉ mang lại thu nhập ổn định, mô hình còn góp phần bảo vệ rừng, khép kín chuỗi sản xuất-tiêu thụ và phát triển kinh tế xanh.

Từ thử nghiệm đến thành công

Nấm linh chi đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm dưới tán rừng ở các xã miền núi Hướng Tân, Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (cũ) từ năm 2023, nay thuộc các xã Khe Sanh và Hướng Phùng, tỉnh Quảng Trị (mới) . Mô hình này do Tổ hợp tác của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và Hợp tác xã Chân Mây liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Khánh (Gia Lai) thực hiện, quy mô ban đầu 4.000 phôi nấm trên diện tích 1.000 m².

Sau 3 tháng trồng và chăm sóc cho thấy, nấm linh chi đỏ thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và độ ẩm dưới tán rừng keo lai; sinh trưởng nhanh, kích thước, trọng lượng đạt chuẩn. Đây là cơ sở để mô hình được mở rộng, không chỉ về quy mô mà còn về địa bàn. Tổ hợp tác tiếp tục liên kết với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để trồng nấm linh chi dưới tán rừng.

Ông Phan Văn Linh ở xã Hướng Tân (trước đây), nay thuộc xã Khe Sanh, một trong những hộ tiên phong trồng nấm linh chi đỏ chia sẻ: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và vui mừng khi mô hình trồng nấm linh chi đỏ đầu tiên của hợp tác xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia. Mỗi hộ được tổ hợp tác cung cấp 2.000 phôi, đến nay đã thu hoạch 3 đợt được 360 kg, công ty thu mua với giá tươi 600.000 đồng/kg, số tiền thu được hơn 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với làm nương rẫy bình thường”.

Không chỉ nâng cao thu nhập, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng còn giúp người dân tận dụng được không gian dưới tán cây keo, cà-phê vốn ít giá trị kinh tế để canh tác nấm. Nhờ đó, đất rừng được bảo vệ tốt hơn, người dân có thêm lý do để giữ rừng, tránh đốt phá lấy đất canh tác. Ông Hồ A Kể, người dân tộc Bru Vân Kiều ở xã Hướng Phùng cho biết: “Nếu như trước đây, 1 ha keo cho thu nhập khoảng 70-90 triệu đồng/ năm, thì nay kết hợp với trồng nấm linh chi đỏ chúng tôi có thể tăng thêm vài chục triệu đồng mỗi năm, nhờ đó kinh tế gia đình nào cũng trở nên khá hơn nhiều”.

Hiện nay, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng đang được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở các địa phương miền núi tỉnh Quảng Trị. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Sinh, xã Vĩnh Thủy đã tiên phong đầu tư quy mô lớn với hơn 9.000 m² diện tích trồng và hệ thống nhà ươm giống hiện đại, tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ đồng. Anh Sinh chia sẻ: “Nhận thấy trồng nấm là hướng đi đầy tiềm năng nên tôi chọn làm lớn để vừa trồng, vừa cung cấp giống đạt chuẩn cho các hộ khác. Đây không chỉ là kinh doanh, mà còn là đóng góp để mô hình lan rộng, giúp nhiều người thoát nghèo”.

Tạo sinh kế bền vững

Nhằm tạo điều kiện để nhân rộng mô hình, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao Quảng Trị, ngày 23/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị (cũ) đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ-UBND phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà-phê năm 2025”. Theo đó, người dân tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ đến 70% chi phí mua phôi giống, hệ thống tưới tiêu, lưới bảo vệ, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật.

Kinh phí được trích từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2025 cùng nguồn đối ứng từ dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hướng Phùng Phạm Huy Văn cho biết, xã đã cấp phát đầy đủ vật tư, giống và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trồng trên 600 m² nấm. Địa phương cũng đã hoàn tất khảo sát, lập danh sách các hộ đủ điều kiện để mở rộng mô hình trong năm 2025.

Tại xã Hướng Tân (trước đây), hơn 5.000 phôi nấm linh chi đỏ đã được cấp về. Số phôi giống này đã trồng dưới tán rừng keo và cà-phê dịp cuối tháng 4/2025. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát cũng đang mở rộng liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng; qua đó, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết không chỉ cung cấp giống, kỹ thuật mà còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện tại, giá nấm linh chi đỏ tươi dao động từ 600.000 đồng/kg, nấm khô từ 1,6 đến 4 triệu đồng/kg tùy chất lượng.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát Lê Phước Hiệp cho biết: “Qua khảo sát, kiểm tra các điều kiện từ nước, thời tiết, khí hậu, đất đai… chúng tôi thấy nấm linh chi đỏ phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng miền núi tỉnh Quảng Trị. Tuy quá trình chăm sóc đơn giản song điều kiện đặt ra là những địa điểm trồng phải phù hợp cho sự sinh trưởng của nấm với độ che phủ rừng 80% trở lên, nhiệt độ không khí 15- 20 độ C”.

Từ đầu năm đến nay, hợp tác xã đã tiến hành trồng thêm gần 10.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 5.000 m² dưới tán rừng keo lai. Đồng thời đang tiếp tục tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị cung cấp giống chất lượng; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo cho các hộ dân có nhu cầu trồng. Việc tham gia chuỗi liên kết giúp người dân yên tâm sản xuất, không còn lo đầu ra; doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu nấm linh chi đỏ vùng cao Quảng Trị.

Dù triển vọng lớn nhưng trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại Quảng Trị cũng đối mặt với một số thách thức như thiên tai, sâu bệnh, thị trường biến động, kỹ thuật chăm sóc còn mới mẻ với bà con. Do đó, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tập huấn, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn hình thức vay vốn và tăng cường vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp trong hỗ trợ kỹ thuật cho người dân.

Xem thêm