Đầm sen Hang Múa (Ninh Bình) thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Đầm sen Hang Múa (Ninh Bình) thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Xây dựng thương hiệu sen Ninh Bình

Nổi tiếng với núi non hùng vĩ, Ninh Bình còn quyến rũ du khách bởi những đầm sen trải dài, khoe sắc thơm ngát mỗi độ hè về. Không chỉ tạo nên cảnh quan đặc trưng, cây sen đang dần khẳng định vị thế mới khi trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển du lịch sinh thái, nâng tầm thương hiệu nông sản chủ lực của vùng đất Cố đô.

Rộn ràng mùa sen nở

Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch Hang Múa thuộc phường Hoa Lư là một trong những địa điểm ngắm sen đẹp nhất ở Ninh Bình với diện tích gần 7 ha. Sen trồng ở đây chủ yếu là giống sen Nhật Bản (sen hồng cánh đơn) có cánh nhỏ, đầu cánh nhọn; đặc tính của dòng sen này là phát triển được dài ngày, có thể ra hoa nhiều lần trong một năm và số lượng hoa, đài nhiều hơn so với các giống sen khác.

Từ cuối tháng 5, hoa sen bắt đầu nở tạo nên khung cảnh nên thơ, trữ tình. Sáng sớm là thời điểm tuyệt vời nhất để du khách tận hưởng hương thơm dịu nhẹ, e ấp của những bông sen đang chúm chím nở ở đây.

Theo ông Đỗ Đức Hồi, phụ trách kỹ thuật đầm sen Hang Múa, năm nay thời điểm sen nở rộ, đẹp nhất là từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7. Để có đầm sen đẹp như hiện nay, ngay từ đầu năm đơn vị đã xử lý đất, phá gốc sen cũ để chuẩn bị cho vụ mới. Quy trình trồng sen được thực hiện bài bản, từ bón phân lót đến bón thúc, kích hoa và phòng trừ sâu bệnh.

Đầm sen rộng lớn, kết hợp với lối đi hình bông sen khổng lồ cùng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn; đặc biệt là vào mùa sen nở, du khách lại từ khắp nơi đổ về rất đông, có đợt cao điểm mỗi ngày thu hút khoảng 1.500 đến 2.000 lượt khách.

“Tôi ấn tượng với vẻ đẹp của hoa sen và phong cảnh nên thơ, không gian yên bình nơi đây. Vừa được ngắm sen, lưu lại những bức ảnh đẹp, tôi còn được khám phá văn hóa địa phương thông qua hình ảnh những người phụ nữ Việt mặc áo dài, đội nón lá rất đẹp và thưởng thức các món ẩm thực làm từ sen”, Ông Blah Denis, du khách Pháp chia sẻ.

Những ngày này, lớp học vẽ miễn phí “Trải nghiệm Hang Múa” dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn của cô Lê Thị Oanh cũng thu hút nhiều bạn nhỏ đến học tập. Không chỉ đơn thuần dạy các em nhỏ từng nét vẽ, cô Oanh còn khéo léo lồng vào đó câu chuyện về tình yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương, đất nước, cuộc sống và những kỹ năng mềm.

Cô Oanh cho biết, lớp học được mở từ đầu tháng 6 nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi, khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật, hướng các em đến với cái đẹp một cách tự nhiên và khả năng sáng tạo. Đến đây, được hòa mình với thiên nhiên, giao tiếp với nhiều người, các em rất hào hứng, chăm chỉ, nghiêm túc và tiếp thu bài học tốt.

Hiện nay, nhiều đầm sen tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh như: đầm Vân Long, Tam Cốc-Bích Động,... cũng thu hút du khách khắp nơi đổ về chụp ảnh rất đông, nhất là vào dịp cuối tuần. Để tăng trải nghiệm cho du khách, phần lớn các đầm đều trồng nhiều loại sen: super, Quan âm trắng, Bách diệp hồng, sen ngàn cánh, sen Bỉ Ngạn trắng…;đồng thời, trồng gối vụ để kéo dài mùa sen nở đến tháng 11.

Chiến lược “đa giá trị”

Cây sen không chỉ chiếm vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, mà ngày nay còn mang lại những giá trị kinh tế thiết thực. Các bộ phận của cây sen đều có thể tận dụng với các mục đích khác nhau đem lại nhiều lợi ích.

Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác và phát huy chuỗi giá trị từ cây sen, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh khuyến khích vận động nông dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng sen lấy củ, lấy hạt kết hợp nuôi cá, phục vụ trải nghiệm du lịch.

Đồng thời, tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị” để tuyển chọn, nhân giống một số giống hoa sen sinh trưởng phát triển tốt, hoa bền, đẹp, năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhiều điều kiện trồng (ao, ruộng trũng) của địa phương.

Theo thống kê, trước thời điểm sáp nhập địa giới hành chính, tỉnh Ninh Bình cũ có 64 ha trồng sen. Từ cây sen người dân còn chế biến ra nhiều sản phẩm quà tặng tinh tế mang hương vị vùng đất Cố đô như các loại chè sen, hạt sen sấy, tinh bột củ sen, món ăn chế biến từ sen, đồ lưu niệm, tranh, ảnh… tạo chuỗi giá trị kinh tế cao, trong đó doanh thu từ du lịch, dịch vụ liên quan đến cây sen rất đáng kể.

Ông Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, nhiều mô hình trồng sen mang lại cho người dân hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, trung bình khoảng 450-500 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình trồng sen “đa giá trị” đang mở ra triển vọng mới, hướng đi mới, phát triển đa dạng hóa cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Ngoài ra, đến với Ninh Bình, du khách còn được trải nghiệm các đầm sen hữu cơ, tham quan mô hình chế biến các sản phẩm từ sen tại chỗ.

Với lợi thế về tài nguyên du lịch và mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xu hướng nông nghiệp du lịch sinh thái, cây sen Ninh Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển. Các sản phẩm từ cây sen sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Qua đó, từng bước xây dựng và phát triển cây sen trở thành thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Ninh Bình.

Xem thêm