Quang cảnh kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp.

Bắc Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11,29%

Ngày 14/7, tại kỳ họp thứ 2 ( kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026 đã xem xét, quyết nghị 16 nghị quyết quan trọng, giúp địa phương khai thác tối đa tiềm năng, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Kỳ họp đã thông qua nghị quyết về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2025 tỉnh Bắc Ninh. Trên cơ sở tổng hợp kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2025 của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (trước khi sáp nhập), kỳ họp đã xác định 18 chỉ tiêu và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2025 của tỉnh Bắc Ninh sau hợp nhất.

Theo đó, Bắc Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11,29%, GRDP bình quân đầu người đạt 5.500-5.700 USD/năm và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 56.834 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 45.834 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11.000 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 151.650 tỷ đồng. Thu hút vốn FDI 4,3 tỷ USD (bao gồm cả các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn các dự án đang hoạt động)

img-2025-07-14-143712.jpg
Các đại biểu thực hành nghi lễ chào cờ.

Bắc Ninh cũng phấn đấu đón 5,6 triệu lượt khách du lịch; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 77,3%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 95%, mức độ 2 đạt 49,5%. Tỷ lệ người dân có thẻ Bảo hiểm y tế đạt 97,96%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021-2025) còn 0,56%, tỷ lệ lao động qua đào tạo 80%...

Đáng chú ý, kỳ họp đã thông qua 3 nghị quyết chuyên đề về tài chính ngân sách, kinh tế và quyết định áp dụng 10 nhóm nghị quyết quy phạm pháp luật là những chính sách ưu việt do Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (trước khi sáp nhập) đã ban hành để tiếp tục thực hiện áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới.

Trong đó, chương trình “Sữa học đường” tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học được áp dụng từ năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư trong 5 năm (2025-2030) hơn 4.000 tỷ đồng, bình quân kinh phí mỗi năm học hơn 813 tỷ đồng.

img-2025-07-14-143559.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Đồng thời tiếp tục áp dụng cơ chế quy định mức hỗ trợ điện chiếu sáng đường làng, ngõ xóm đối với các thôn, khu phố, góp phần cải thiện điều kiện sống và an ninh trật tự ở khu dân cư. Duy trì các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội cho các đối tượng khó khăn, yếu thế; điều chỉnh nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và môi trường, văn hóa, y tế, bảo trợ xã hội, an ninh, tư pháp, nội vụ...

Kỳ họp đã thông qua hai dự thảo nghị quyết nền tảng, cấp thiết cho việc tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ này đó là: Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Quy định Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa 19, nhiệm kỳ 2021-2026.

img-2025-07-14-143858.jpg
Đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Oanh nhấn mạnh: Việc phấn đấu mục tiêu tăng trưởng (GRDP) chung năm 2025 đạt 11,29% còn rất nhiều thách thức, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các cấp, các ngành khẩn trương cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được thông qua tại kỳ họp thành hành động rõ ràng, quyết liệt; bám sát, kiểm tra, đánh giá tiến độ hằng tháng, kịp thời điều chỉnh, bảo đảm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra.

Để việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đạt hiệu quả, giúp các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn hoạt động của bộ máy chính quyền xã, phường để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bất cập, các vấn đề mới phát sinh, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm hạ tầng cho việc vận hành bộ máy hành chính 2 cấp thông suốt…

Xem thêm