Quang cảnh đại hội.
Quang cảnh đại hội.

Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam khẳng định vai trò kết nối, thúc đẩy kinh tế sáng tạo

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam tổ chức ra mắt và tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030.

Tham dự Đại hội có đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, cùng các Bộ: Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao...; các trường đại học, viện nghiên cứu; các nghệ sĩ, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, truyền thông và công nghệ.

Đại diện Bộ Nội vụ đã công bố Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30/5/2025 về việc thành lập Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam. Đây là tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tập hợp các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, công nghệ, giáo dục, doanh nghiệp, đầu tư… nhằm kết nối nguồn lực, xúc tiến chính sách, phát triển thị trường và hệ sinh thái công nghiệp văn hóa.

Việc thành lập Hiệp hội hướng tới góp phần thúc đẩy phát triển ngành, xây dựng kinh tế sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phát biểu khai mạc, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội khẳng định: Việc ra đời của Hiệp hội phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong bối cảnh công nghiệp văn hóa đang từng bước khẳng định vai trò.

ndo_br_img-9647-9838.jpg

“Bộ tứ nghị quyết” sẽ là nền tảng chính sách quan trọng tạo điều kiện cho Hiệp hội phát triển trong thời gian tới. Hiệp hội ra đời với kỳ vọng đưa văn hóa trở thành hàng hóa đặc biệt, mang lại lợi nhuận cho đất nước và lan tỏa hình ảnh văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Hiệp hội Phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam được xác định là tổ chức nòng cốt, có vai trò cầu nối chiến lược giữa các nghệ sĩ, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trong toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp văn hóa.

Mục tiêu hoạt động của Hiệp hội là phát huy vai trò của văn hóa như một sức mạnh mềm quốc gia, chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế tri thức.

Hiệp hội đặt tầm nhìn trở thành tổ chức đầu mối quốc gia, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo, hội nhập và bền vững. Năm giá trị cốt lõi được xác lập gồm Sáng tạo-Bản sắc-Kết nối-Khởi tạo thị trường-Phát triển bền vững.

ndo_br_img-9662-7666.jpg

Hiệp hội quy tụ đông đảo nghệ sĩ, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực sáng tạo. Với tinh thần đồng tâm hiệp lực, Hiệp hội cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, địa phương và cộng đồng sáng tạo thông qua các định hướng chiến lược rõ ràng.

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động cụ thể như tổ chức trại sáng tác, xây dựng không gian nghệ thuật, phát triển các sản phẩm sân khấu, điện ảnh, ca nhạc, tổ chức các festival… nhằm hình thành thị trường nghệ thuật lành mạnh, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng trong xã hội hiện đại.

Trên cơ sở định hướng phát triển toàn diện, Hiệp hội sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức; xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp và quy chế hoạt động nội bộ; hoàn thiện hệ thống hội viên; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển hệ thống văn phòng đại diện ở các vùng, miền.

Trong công tác xây dựng chính sách, Hiệp hội sẽ đóng vai trò phản biện thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn chuyên đề; phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tổ chức các sự kiện nhằm thúc đẩy hành lang pháp lý và thực tiễn triển khai chính sách trong ngành công nghiệp văn hóa.

ndo_br_img-9664-5269.jpg

Hiệp hội cũng xác định rõ nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Các chương trình đào tạo định kỳ sẽ tập trung vào các lĩnh vực như quản trị doanh nghiệp văn hóa, sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số, công nghệ sáng tạo. Hiệp hội sẽ triển khai mô hình vườn ươm sáng tạo và phối hợp các cơ sở giáo dục, địa phương xây dựng chương trình đào tạo vùng phù hợp đặc thù từng địa bàn.

Về xúc tiến thương mại, Hiệp hội sẽ tổ chức các triển lãm, hội chợ, liên hoan sáng tạo theo từng lĩnh vực công nghiệp văn hóa; hỗ trợ hội viên đăng ký nhãn hiệu, tiếp cận thị trường, kết nối tài trợ và đầu tư; tăng cường ứng dụng nền tảng số để phân phối sản phẩm sáng tạo.

Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, Hiệp hội sẽ chủ trì tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới thông qua các sản phẩm văn hóa đặc sắc.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025–2030 gồm 46 thành viên. Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên được bầu làm Chủ tịch.

Xem thêm