Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và đột phá: Góc nhìn xuyên suốt một hành trình đổi mới

Mỗi chặng đường phát triển của đất nước đều để lại dấu ấn kinh tế rất riêng - khi là thành tựu, lúc lại là những bài học sâu sắc. Cuốn sách “Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và đột phá” là một nỗ lực ghi lại hành trình ấy bằng thái độ khoa học nghiêm túc, cái nhìn đa chiều và tinh thần trách nhiệm cao độ.

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản lần thứ 3 cuốn sách “Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và đột phá” do hai tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng chắp bút.

Cuốn sách ra mắt bạn đọc vào năm 2009, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn căng thẳng nhất.

z6784636775507-a91ba087417a1468ada15006062fbc0a.jpg
Cuốn sách “Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và đột phá”.

Lần xuất bản thứ ba năm 2025 không chỉ khẳng định giá trị lâu bền của tác phẩm mà còn để bạn đọc hôm nay tiếp cận với một khối lượng tri thức phong phú về kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ với bối cảnh kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong hơn 20 năm đầu từ khi tiến hành đổi mới.

Cuốn sách gồm 13 chương, được chia thành ba phần: Thăng trầm, Đột pháVấn đề và hiện tượng.

Ở phần Thăng trầm, các tác giả đưa người đọc ngược dòng lịch sử để soi chiếu những giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động, từ nền kinh tế thuộc địa sang nền kinh tế độc lập, từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, từ một quốc gia kinh tế kém phát triển đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao.

Những khó khăn của thời kỳ đấu tranh giành độc lập tiền tệ, hay những vấn đề kinh tế-tài chính của giai đoạn 1986-1992 như lạm phát phi mã lên đến 3 con số, hệ thống tín dụng yếu kém, giá cả biến động bất thường…, được mổ xẻ với số liệu rõ ràng và lập luận chặt chẽ. Đó không chỉ là “thông tin lịch sử”, mà còn là cơ sở để nhìn lại năng lực ứng phó chính sách và điều hành vĩ mô nền kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ sơ khai của Đổi mới.

Đến phần Đột phá, cuốn sách giúp bạn đọc thấy rõ sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy kinh tế ở Việt Nam: từ thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đến đổi mới thể chế ngân hàng và sự phát triển hệ thống thị trường tài chính (vàng, ngoại tệ, chứng khoán), thị trường bất động sản.

z6784636775518-cb30c29671ee44bbb08001e0fca069c5.jpg

Điểm đáng chú ý là các tác giả đã phân tích kỹ về sự hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp, một cột mốc thể chế lớn vào đầu thập niên 1990, đánh dấu bước đi cần thiết để xây dựng thị trường tài chính hiện đại. Các tác giả đã dành nhiều dung lượng để phân tích vai trò của vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sự phát triển của thị trường chứng khoán từ năm 2000 và những “cơn sốt” bất động sản, vàng, đôla Mỹ và những biểu hiện sinh động của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Điều tạo nên chiều sâu cho cuốn sách là phần Vấn đề và hiện tượng, khi các tác giả đặt ra những câu hỏi mang tính lý luận nhưng cũng có tính thực tiễn cao: Làm sao để hạn chế bong bóng tài sản? Chính phủ nên can thiệp ở mức nào trong thị trường tài chính? Sức mạnh của thị trường có thể song hành với vai trò quản lý nhà nước đến đâu?

Những hiện tượng như: “hành vi bầy đàn” trong thị trường vàng, tình trạng đôla hóa nền kinh tế hay rủi ro tín dụng ngân hàng… được lý giải không chỉ bằng số liệu mà còn qua phân tích các mô hình kinh tế và so sánh quốc tế.

Quan trọng hơn cả, cuốn sách để lại dư âm bởi cách đặt vấn đề một cách gợi mở, không kết luận cứng nhắc, mà mở ra không gian cho sự phản biện và đối thoại.

Nhiều gợi ý, đề xuất của cuốn sách không chỉ dừng lại ở thời điểm cuối những năm 2000 mà vẫn có ý nghĩa tham khảo đến ngày nay. Chính tinh thần ấy khiến “Kinh tế Việt Nam – Thăng trầm và đột phá” không chỉ là một tác phẩm nghiên cứu, mà còn là một lời mời gọi suy nghĩ nghiêm túc về mô hình phát triển quốc gia trong thời đại đầy biến động.

Xem thêm