Trong các gương mặt trẻ nổi bật, đã chinh phục được những giải thưởng quốc tế, có thể kể tới Phạm Thiên Ân với “Bên trong vỏ kén vàng”, Hà Lệ Diễm với “Những đứa trẻ trong sương”, Phạm Ngọc Lân với “Cu li không bao giờ khóc”…
Song, những “cánh én nhỏ” vẫn khó tạo nên nền tảng, diện mạo ấn tượng cho nền điện ảnh.
Thực tế cho thấy, phần lớn lực lượng làm phim hiện tại vẫn ở tình trạng “tay ngang”, thiếu hành lang đào tạo bài bản và môi trường thực hành còn quá mỏng.
Đạo diễn giàu kinh nghiệm Đặng Nhật Minh cũng nhận định, điều khiến ông lo lắng không phải sự thiếu đam mê, mà là thiếu nền tảng vững chắc cho thế hệ kế cận.
Cụ thể, đó là sự thiếu vắng về môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế, thiếu quỹ hỗ trợ bền vững, thiếu sự nối kết giữa đào tạo, sản xuất và phát hành.
Mới đây, “Vườn ươm dự án” tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025 đã có những nỗ lực trong đầu tư lâu dài cho chất lượng con người - cốt lõi của nền điện ảnh bền vững.
Khác với những workshop ngắn hạn mang tính giới thiệu, dự án lần này đã tạo ra một hệ sinh thái quy mô nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa. Tại đây, những nhà làm phim trẻ được gặp gỡ giới chuyên môn quốc tế đến từ Hàn Quốc, Pháp, Liban… để có thêm cơ hội lắng nghe, phản biện, học hỏi về con đường đưa ý tưởng đến thực tế sản xuất - điều mà chính các đạo diễn trong nước từng đoạt giải quốc tế vẫn thừa nhận là thiếu hụt tại Việt Nam.
Vượt qua khái niệm quen thuộc của các kỳ liên hoan phim, coi đó như “sân chơi”, “Vườn ươm dự án” đã gợi mở hướng đi bền vững bằng môi trường cụ thể, tương tác “cầm tay chỉ việc” và tạo mối liên kết, hỗ trợ lâu dài.
Điện ảnh là ngành công nghiệp sáng tạo đặc thù, đòi hỏi nhân lực ngoài kỹ năng, kỹ thuật còn cần tư duy thẩm mỹ, năng lực kể chuyện và khả năng phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc trong ngôn ngữ điện ảnh hiện đại.
Vì vậy, giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực điện ảnh Việt cần được nhìn nhận một cách hệ thống, gắn liền với chiến lược phát triển văn hóa-công nghiệp sáng tạo quốc gia.
Cụ thể, Việt Nam cần những trung tâm điện ảnh tích hợp kiểu “Creative Hub” như tại Pháp, Hàn Quốc hay Singapore, giúp người trẻ được học tập, thực hành, sản xuất, phát hành ngay trong cùng một không gian.
Mô hình lớp học cũng là xưởng phim, giảng viên là nhà sản xuất, đạo diễn và đội ngũ kỹ thuật viên thực chiến mới thật sự tạo được môi trường thực tế, sống động, thiết thực.
Bên cạnh đó, tăng cường các quỹ hỗ trợ phim đầu tay và sáng tạo trẻ với hội đồng chuyên môn độc lập, xét duyệt công khai, đầu tư dưới dạng góp vốn sản xuất cũng là giải pháp đáng quan tâm.
Đặc biệt, quỹ này nên ưu tiên các thể loại ít được đầu tư, như phim tài liệu, hoạt hình, chính luận…, từ đó tạo ra sự đa dạng thể loại và định hình phong cách điện ảnh Việt.
Các trường đào tạo điện ảnh cũng cần kết hợp phương thức giảng dạy truyền thống sang định hướng ứng dụng cao, hợp tác xuyên ngành với các lĩnh vực khác như mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, khuyến khích làm phim thử nghiệm, tổ chức liên tục các trại viết kịch bản, hội thảo phản biện phim...
Lấy cảm hứng từ “Vườn ươm dự án”, ngành điện ảnh có thể phát triển các “trung tâm vệ tinh” tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để người trẻ gửi kịch bản, tương tác, kết nối nhà đầu tư.
Những không gian gần gũi, thực tế sẽ góp phần “giữ lửa”, khích lệ liên tục thay vì chỉ xuất hiện theo mùa sự kiện.
Một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là nhân lực điện ảnh Việt cần được nuôi dưỡng trong tinh thần vừa toàn cầu vừa bản sắc. Nên khuyến khích các nhà làm phim trẻ kể chuyện Việt bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, phim tài liệu về đồng bào các dân tộc, hoạt hình về đề tài lịch sử… đều là mảnh đất màu mỡ nếu được tiếp cận đúng cách.
Không có nền điện ảnh nào vững mạnh nếu thiếu lớp kế cận vững chắc. Những mô hình như “Vườn ươm dự án” là bước đi đúng hướng nhưng còn nhỏ lẻ, thưa vắng.
Việc đầu tư bài bản, chiến lược và đồng bộ vào nhân lực chất lượng cao là điều không thể chậm trễ và đó không phải trách nhiệm của riêng ngành điện ảnh, mà thật sự là sứ mệnh văn hóa quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập.