Kỳ 2: Mở ra không gian rộng lớn phát triển
Nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu du lịch
Khi sáp nhập tỉnh, thành phố, việc mở rộng địa giới hành chính mở ra “cánh cửa” giúp giá trị văn hóa địa phương không còn bị giới hạn bởi ranh giới cũ mà có cơ hội mở rộng, lan tỏa, giao thoa, hình thành không gian văn hóa rộng lớn hơn, với mạng lưới di sản vật thể, phi vật thể đồ sộ hơn. Đây chính là trữ lượng tài nguyên quý giá tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch dựa trên chất liệu văn hóa, tạo điều kiện liên kết các điểm đến, hình thành những tour du lịch liên vùng đặc sắc, mang đến trải nghiệm đa dạng, thúc đẩy kinh tế-văn hóa xã/phường, tỉnh/thành phố sau sáp nhập.
Trong chuyến công tác tại Pleiku (Gia Lai) ngày 2/6, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rằng, việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện để phát triển các tuyến du lịch liên vùng đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu du lịch vùng trên bản đồ du lịch quốc gia.
Thực tế cho thấy, việc sáp nhập các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình chính là kết nối những “mảnh ghép” đa sắc, vẽ nên bức tranh du lịch độc đáo của tỉnh Phú Thọ mới, với sự gắn kết du lịch văn hóa tâm linh Đền Hùng, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, hát xoan với du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, du lịch hồ Hòa Bình, du lịch văn hóa cộng đồng.
Khi Quảng Nam, Đà Nẵng “về chung một nhà”, Đà Nẵng mới có điều kiện kiến tạo giá trị du lịch từ việc giao thoa, tiếp biến các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa, Đại Việt, văn hóa các dân tộc thiểu số. Với việc trở thành mảnh đất hiếm hoi sở hữu tới ba di sản thế giới được UNESCO ghi danh, bao gồm Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, di sản tư liệu Ma Nhai và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Đà Nẵng mới sở hữu tiềm lực vô giá giúp định hình những tour du lịch có sức hút kết hợp trải nghiệm văn hóa biển với khám phá chiều sâu di sản và làng nghề truyền thống.
Hợp nhất Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang không chỉ định hình không gian rộng hơn cho thành phố Cần Thơ mới, mà còn gia tăng sức hấp dẫn của hành trình khám phá miền Tây, với sự gặp gỡ văn hóa Kinh, Khmer và Hoa…
Khi các địa phương gần gũi về địa lý, tự nhiên, tương đồng về văn hóa sáp nhập vào một đơn vị hành chính, sẽ tạo ra sự cộng hưởng tài nguyên, tạo nên bản hòa ca đa thanh, góp phần gia tăng chuỗi giá trị du lịch quốc gia và sức hấp dẫn của ngành kinh tế xanh Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực, thế giới.
Chủ tịch Liên Chi hội Du lịch xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng đánh giá, khi các tỉnh, thành phố được sáp nhập, lợi thế vùng có thể bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển, tạo thế mạnh, bản sắc văn hóa chung rõ nét hơn. Nguồn lực về con người, vật chất, công nghệ… sẽ có điều kiện hợp lực sử dụng tập trung, hiệu quả. Những điểm đến giàu tiềm năng du lịch trước đây thiếu kinh phí đầu tư nay có cơ hội được nhận diện xứng tầm. “Nếu biết tận dụng cơ hội từ việc tái cấu trúc địa giới hành chính mới, du lịch Việt Nam sẽ có bước đột phá”, ông Phùng Quang Thắng khẳng định.
Tư duy mới về phát triển du lịch văn hóa
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những giải pháp chấn hưng và phát triển văn hóa: “Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa…”.
Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính chính là cuộc cách mạng cải tổ bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, khai thác văn hóa, tạo ra không gian văn hóa lớn với đầu tư nguồn lực bài bản, đồng bộ hơn. Với tầm nhìn mới, khi quy mô thị trường mở rộng, nhiều địa phương có thể xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu vùng, quy hoạch sản phẩm du lịch văn hóa nhất quán hơn.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội luôn là thách thức. Làm thế nào để nét riêng không bị phai nhạt mà trở thành mắt xích giúp giá trị chung tỏa sáng không đơn giản. Khi nhiều vùng văn hóa chung sống dưới “mái nhà hành chính”, những nét riêng biệt, vốn là “chất liệu vàng” của du lịch văn hóa có thể bị lu mờ nếu không được tôn trọng và giữ gìn đúng cách. Sự khác biệt về sinh hoạt, phong tục, tập quán của từng vùng có thể dẫn đến xung đột nếu thiếu hài hòa trong quy hoạch và phân bổ nguồn lực. Nếu đội ngũ làm du lịch thiếu hiểu biết về văn hóa bản địa, dễ có nguy cơ giải bài toán phát triển du lịch theo lối mòn, rập khuôn. Do đó, phát triển du lịch văn hóa sau sáp nhập không thể chỉ nhìn từ góc độ kinh tế, mà cần đặt trong dòng chảy bảo tồn di sản, nuôi dưỡng ký ức cộng đồng.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), để tận dụng lợi thế từ không gian văn hóa mới cho thúc đẩy du lịch, các địa phương cần kiểm kê toàn diện hệ thống tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể, từ di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống đến các tri thức dân gian, phong tục tập quán. Từ đó, đánh giá tính liên kết và sự khác biệt giữa các vùng văn hóa nhỏ trong không gian mới để tránh “đồng phục hóa” sản phẩm. Trên cơ sở này phân vùng phát triển, xây dựng bản đồ văn hóa-du lịch cho khu vực sau sáp nhập.
Một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là định vị lại thương hiệu địa phương, với du lịch đóng vai trò như đòn bẩy cho sự phát triển. Cần xây dựng hình ảnh du lịch văn hóa mới, giàu tính biểu tượng cho toàn vùng sau sáp nhập. Các địa phương nên đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa tạo sức hút cho du lịch, chuyển từ tư duy phát triển du lịch đơn lẻ sang phát triển đa ngành theo chuỗi giá trị. Mỗi địa phương trong không gian văn hóa chung cần đảm nhận một vai trò riêng biệt trong chuỗi sản phẩm, tạo sự hấp dẫn tổng thể.
Thực tiễn chứng minh, xây dựng thương hiệu văn hóa và phát triển du lịch của mỗi địa phương dựa trên nền tảng văn hóa không chỉ cần cán bộ giỏi chuyên môn, mà còn cần người biết “kể chuyện” bằng ngôn ngữ văn hóa vùng miền. Vì thế, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-du lịch phải xác định là bước đi thiết yếu. Các sản phẩm du lịch văn hóa chỉ bền vững khi người dân bản địa thấy được giá trị thật sự và chủ động tham gia. Do đó, cần chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp du lịch, đồng thời mời gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và dịch vụ chuyên nghiệp.
Chủ tịch Liên Chi hội Du lịch xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, thời gian tới, khái niệm du lịch nội tỉnh, nội thành sẽ phổ biến và trở thành xu hướng, nhờ liên thông của tài nguyên và việc hoàn thiện hóa kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông giúp người dân được tìm hiểu nhiều điểm đến ngay trên quê hương theo hướng trải nghiệm sâu hơn. Vấn đề là cần tạo những tuyến du lịch theo chủ đề để tạo sức hút và xây dựng hình ảnh điểm đến. Các địa phương cần bắt tay với doanh nghiệp lữ hành và các chuyên gia hình thành sản phẩm có tính khác biệt. Cùng với đẩy mạnh liên kết nội tỉnh, nội thành, không thể thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố sau sáp nhập. Đây chính là “chìa khóa” tối ưu hóa nguồn lực, phân bổ hợp lý dòng khách du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch liên vùng, góp phần hình thành những cực tăng trưởng du lịch mới, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.