Lãnh đạo Viện Phim Việt Nam cùng các nghệ sĩ điện ảnh tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba năm 2025.
Lãnh đạo Viện Phim Việt Nam cùng các nghệ sĩ điện ảnh tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba năm 2025.

Viện Phim Việt Nam vươn mình khẳng định vị thế bước vào kỷ nguyên mới

Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba năm 2025 (DANAFF III) vừa qua, đông đảo công chúng thêm hiểu về tầm vóc và những đóng góp của to lớn của Viện Phim Việt Nam, một đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn nhất cả nước và đang khẳng định uy tín và vị thế trong khu vực cũng như quốc tế.

Trong thời gian diễn ra DANAFF III tại thành phố Đà Nẵng, trong 22 bộ phim về đề tài chiến tranh được trình chiếu phục vụ khán giả, có tới 18 phim do Viện Phim Việt Nam cung cấp với những bản chiếu đã số hoá chất lượng rất cao, hình ảnh cũng như âm thanh hơn hẳn trước đây.

Nhiều đạo diễn có phim được chiếu đã hết sức bất ngờ về chất lượng phim bởi có những bộ phim của họ được sản xuất từ 10 năm đến 20 năm, thậm chí có phim ra đời từ 50 năm trước. Tuy nhiên, ở lần trình chiếu tại Đà Nẵng, các bộ phim vẫn sáng đẹp, âm thanh rất chuẩn, được người xem đón nhận hứng thú và yêu thích.

Nơi lưu giữ những bản phim ấy chính là Viện Phim Việt Nam, đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn nhất cả nước và trong nhóm hàng đầu Đông Nam Á hiện nay. Trong đó, phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam sản xuất trước và sau ngày đất nước thống nhất đang chiếm một khối lượng rất lớn, được bảo quản cẩn trọng, theo các quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt tại hệ thống kho lưu trữ của Viện.

p21.jpg
Các cán bộ Viện Phim Việt Nam cùng đạo diễn Đinh Tuấn Vũ và đoàn làm phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" giao lưu với khán giả Đà Nẵng tại buổi trình chiếu phim tại DANAFF III.

Trong nhiều năm qua, thông qua những hình thức hoạt động phong phú, giá trị văn hóa, lịch sử của hàng trăm tác phẩm điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng đã được giới thiệu đến hàng triệu lượt công chúng khắp các vùng, miền trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong số này, các bộ phim đề tài chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất, cả phim truyện lẫn phim tài liệu, luôn được đón nhận nồng nhiệt và nhận được sự đánh giá tích cực về chất lượng nghệ thuật từ khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Trong suốt nhiều năm qua, hoạt động khai thác, phổ biến di sản điện ảnh Cách mạng nói chung và phim Việt Nam về đề tài chiến tranh nói riêng, luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Viện Phim Việt Nam tập trung đầu tư thực hiện.

Bà Lê Thị Hà,Viện trưởng Viện Phim Việt Nam

20 bộ phim trình chiếu trong thời gian liên hoan được ví những “bông hồng vàng”, được bảo quản cẩn thận, qua thời gian vẫn tươi tắn, xinh đẹp, toả hương sắc với người xem hôm nay.

Đó là các bộ phim: “Cánh đồng hoang” (1979), “Mẹ vắng nhà” (1980), “Mối tình đầu” (1980), “Về nơi gió cát” (1983), “Huyền thoại về người mẹ” (1987), “Truyện cổ tích cho tuổi 17” (1988), “Tuổi thơ dữ dội” (1991), “Lưỡi dao” (1995), “Ngã ba Đồng Lộc” (1997), “Chung cư” (1999), “Vào Nam ra Bắc” (2000), “Người đàn bà mộng du” (2001), “Vũ khúc con cò” (2002), “Hà Nội 12 ngày đêm” (2002), “Giải phóng Sài Gòn” (2005), “Sống trong sợ hãi” (2006), “Áo lụa Hà Đông” (2006), “Sinh mệnh” (2007), “Mùi cỏ cháy” (2012), “Những người viết huyền thoại” (2013), “Người trở về” (2015), “Truyền thuyết về Quán Tiên” (2020)…

p31.jpg
Các bộ phim chiến tranh Cách mạng do Viện Phim Việt Nam lưu trữ, bảo quản đã được trình chiếu tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ ba năm 2025.

Những bộ phim được trình chiếu, giới thiệu lại tại liên hoan đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khi công chúng được thưởng thức những bộ phim kinh điển về chiến tranh của Việt Nam. Ngay cả những đạo diễn phim khi giao tiếp với khán giá như: Phi Tiến Sơn, Đào Duy Phúc, Đinh Tuấn Vũ, Lê Hoàng… cũng đầy xúc động, nghẹn ngào khi nhớ về những năm tháng sáng tạo và sản xuất các tác phẩm điện ảnh này.

Tại Hội thảo “Dấu ấn phim Chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)” tại DANAFF III, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà cho biết: Phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh Cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Các nhà làm phim Việt Nam, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn, sáng tác nhiều tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, khắc họa sự hy sinh oanh liệt của các nhân vật và sự kiện anh hùng.

Trong chiến tranh, đội ngũ những nhà làm phim đã trưởng thành đi qua thực tế cuộc chiến đấu của dân tộc, đề tài chiến tranh được họ thể hiện xuất sắc, chân thật qua từng tác phẩm và được các nghệ sĩ điện ảnh coi như một sự báo đáp tinh thần, lòng tri ân đối với đất nước, đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

p4.jpg
Tọa đàm về phim Việt Nam tại Hội thảo “Dấu ấn phim Chiến tranh của Việt Nam
từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)”.

Năm 2023, khi đang là Vụ phó Vụ Pháp chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Lê Thị Hà đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao quyết định đảm nhiệm Viện trưởng Viện Phim Việt Nam và cùng tập thể lãnh đạo đơn vị không ngừng đưa Viện phát triển, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại trong lưu trữ, bảo quản và phát huy các giá trị di sản điện ảnh Việt Nam.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện, kết nối, hỗ trợ của Ban Tổ chức DANAFF III, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cá nhân Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh Ngô Phương Lan, Viện Phim Việt Nam đã tham gia một số chương trình hoạt động trọng điểm, cùng đóng góp cho sự thành công rực rỡ của Liên hoan phim lần này.

Kế thừa và phát huy nền tảng vững chắc do các thế hệ đi trước tạo dựng, thế hệ kế cận của Viện Phim Việt Nam đã và đang xây dựng, củng cố đơn vị ngày càng phát triển, hội nhập bền vững. Công tác tu sửa, bảo quản, số hóa phim luôn được chú trọng, phim được quay trở, lau, rửa bằng hóa chất định kỳ với số lượng mỗi năm đạt hơn 11 nghìn cuốn.

Nhiều bộ phim có giá trị lịch sử đã được phục chế thành công như: “Hồ Chí Minh-Chân dung một con người”; “Miền Nam trong trái tim tôi”, “Những giây phút cuối đời Bác”, “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin”, “Nước nguồn Pắc Bó”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ”…

p2.jpg
Viện trưởng Viện Phim Việt Nam tại Hội thảo Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba năm 2025.

Nhằm hoàn thiện bộ sưu tập lưu trữ, kéo dài tuổi thọ phim, phục vụ công tác bảo quản, khai thác tư liệu hiệu quả, Viện Phim Việt Nam đã lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc in chuyển phim tới hạn, phim thiếu bộ bản sang các bản phim mới trên vật liệu phim nhựa hoặc băng betacam digital sang file số độ phân giải 2K, 4K.

Đến nay, Viện có 1.500 hồ sơ phim truyện Việt Nam, 2.030 hồ sơ phim tài liệu, 615 hồ sơ phim hoạt hình cùng hàng trăm hồ sơ về những nhà hoạt động điện ảnh, các vấn đề chung về điện ảnh… Đây là nguồn tư liệu quý cho công tác tra cứu, nghiên cứu và phục vụ trưng bày, triển lãm.

Trong công tác đối ngoại, uy tín và vị thế của Viện Phim Việt Nam ngày càng được khẳng định trong khu vực và quốc tế. Viện hiện có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều Viện Lưu trữ phim trên thế giới và là Viện phim đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tổ chức thành công Hội nghị của Liên đoàn các Viện Lưu trữ phim quốc tế (FIAF) lần thứ 60 vào năm 2004. Viện cũng là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á-Thái Bình Dương (SEAPAVVA) vào năm 1995 và từng tổ chức thành công bốn kỳ Hội nghị SEAPAVVA từ năm 1998 đến năm 2021.

p3.jpg
Các cán bộ Viện Phim Việt Nam và đoàn làm phim "Sinh mệnh" tại buổi trình chiếu phim và giao lưu khán giả Đà Nẵng trong Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba năm 2025.

Suốt chặng đường hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Phim Việt Nam nhiều năm liền được nhận bằng khen và các tặng thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được vinh danh là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Khối Điện ảnh.

Theo Viện trưởng Lê Thị Hà, những danh hiệu và phần thưởng đó là nguồn động lực để tập thể cán bộ, nhân viên Viện Phim Việt Nam tiếp tục phát huy sáng tạo, nỗ lực cống hiến để trở thành một đơn vị lớn mạnh, chuyên nghiệp, xứng tầm là Viện lưu trữ phim hàng đầu quốc gia và khu vực Đông Nam Á, từng bước sánh ngang các viện phim lớn trên thế giới.

Xem thêm