Ba nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Quang Sự, Đinh Anh Tuấn
Ba nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Quang Sự, Đinh Anh Tuấn

GOm Show: Âm nhạc của gốm Việt

Người Việt có câu “Hòn đất mà biết nói năng” để chỉ tính chất vô thanh của đất. Thế nhưng, tại “GOm show”, đất không chỉ biết nói mà còn biết hát, biết vút lên những âm thanh đầy nhạc tính, truyền tải âm nhạc của Việt Nam ra thế giới.

Đó là một cuộc hành trình rất dài, chứa đựng công sức tìm tòi, tiếp cận, nghiên cứu âm nhạc dân gian của Việt Nam, cũng như cách diễn xướng để âm nhạc đó xuất hiện với hình dung mới mẻ, chạm tới cảm xúc của công chúng đương đại, của nhóm Đàn Đó.

Dự án thử nghiệm Đàn Đó là cách mà những nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Quang Sự, Đinh Anh Tuấn đặt tên cho hành trình của mình. Trong hành trình đó, họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng về tre - thứ cây gần gũi vô cùng với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt - để biến tre thành những nhạc cụ truyền tải âm nhạc Việt Nam.

Thế là, những nhạc cụ làm bằng tre xuất hiện, như chiếc đàn đó với hình dạng chiếc đó đánh cá, như cây sáo nước dùng nước trong ống tre tạo ra âm thanh thay khí. Và tre đã cất lên âm nhạc của các vùng folklore (văn hóa dân gian) ở tây bắc, ở Tây Nguyên, ở đồng bằng châu thổ bắc bộ…

Giờ đây, nhóm “Đàn Đó” đã có một hành trình mới: tìm kiếm âm nhạc của đất, từ những sản phẩm đã hình thành trên bàn xoay gốm, được nung để trở thành những vật dụng sinh hoạt thường nhật làm bằng đất nung, bằng sành, bằng gốm của người Việt Nam.

Hành trình mới này không chỉ có 3 thành viên cũ, mà đã mời gọi được 10 nghệ sĩ trẻ nhập cuộc. Thật là một điều đáng mừng, không chỉ vì “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, mà bởi càng đông người tham gia, hành trình đưa âm nhạc Việt Nam ngân vang bằng nhạc cụ Việt Nam ra thế giới mới đạt nhiều thành tựu.

Đất là chất liệu âm nhạc rất đặc biệt. Một cục đất sét “không biết nói năng” nhìn rất thô kệch, cục mịch, mặc cho tay người giã nát, nhào nặn tuỳ thích. Thế nhưng sau khi trải qua những quá trình tôi luyện hay là “tu luyện” bằng gỗ (đập nát), bằng nước (nhào, nặn, vuốt), bằng lửa (nung) thì nó lại cất lên âm nhạc.

Quá trình hình thành âm nhạc cũng thế, phải trải qua những nhiều bước “tu luyện” để biến một ý tưởng xuất hiện từ hư vô thành âm nhạc. Gõ vào cái chum sành, cái bát sứ hay cái lọ gốm, lập tức những âm thanh khác nhau xuất hiện. Đấy chính là những nốt nhạc ở dạng nguyên thuỷ của gốm.

Càng tìm tòi càng thấy rằng gốm có thể tạo ra mọi âm điệu của âm nhạc. Từ chiếc trống chum làm bằng chum đất với màng trống là săm ô-tô, âm thanh siêu trầm của bass rền vang. Chiếc trống Lãng nom tựa tựa ông bình vôi với các tai đất bẹt như bánh dày gắn xung quanh lại cất lên âm vực trầm ấm. Chiêng sành và chuông sành làm từ lọ sành, chum sành lại có âm thanh cao lảnh lót….

Âm thanh của gốm được xếp vào loại âm thanh tự thân, nghĩa là bản thân nó đã có âm thanh, chỉ cần tạo một lực tác động vào gốm là âm thanh vang ra như nước chảy mây bay. Tuy nhiên, cần phải nắm rõ được tình trạng “câm” hay “không câm” của gốm để từ đó tìm cách định hình âm thanh.

logo-gom-show-nau-dat.png

Chẳng hạn như với cồng chiêng của Tây Nguyên. Nếu nó chỉ là một miếng đồng thì không thể tạo ra âm nhạc. Nhưng khi hiểu được miếng đồng đó, gò thành các vòng định âm để tạo ra âm thanh, khi đó miếng đồng hoá thân thành cồng, thành chiêng.

Gốm cũng vậy, từ một thứ đanh và cứng, nghệ sĩ phải tạo ra những quy luật về âm luật từ đó tìm ra các nốt nhạc. Khi đã mở được khoá câm, gốm trở thành một nhạc cụ tự thân có âm thanh hay vô cùng. Chum sành có âm vang trong trẻo như âm nhạc của vùng trời nào rơi xuống chứ không còn cục mịch chỉ dùng đựng nước.

Và rồi, thành tựu của hành trình đi tìm âm nhạc của gốm đã đến. Đó là màn khai sinh của những nhạc cụ làm từ đất như đàn niêu, trống chum, chiêng sành, chuông gốm, trống Lãng, gốm xoay… với kỹ thuật dùng đôi tay của nghệ sĩ để khiến đất cất lên âm thanh.

Nhờ đôi tay vuốt khối đất trên bàn xoay mà gốm hình thành. Nay cũng nhờ đôi tay khi vuốt, khi vỗ, khi gõ mà những âm thanh của gốm thoát thai khỏi câm lặng, bay lên không gian nhẹ như những sợi tơ. Sự chuyển hóa đó thật diệu kỳ, nhờ đôi tay mà đất có hình dáng, có phẩm chất và có cả âm nhạc.

Để rồi, vào một ngày cuối tháng 6/2025, 9 cuộc trò chuyện bằng âm nhạc của gốm đã cất lên, ngân vang những âm điệu của đồng bào dân tộc H’mông, Tày, Nùng Dín, Lô Lô, Hà Nhì, M'nông, Ê Đê… trong không gian âm nhạc của thính phòng Nhà hát Lớn (Hà Nội).

13.png

Trong đêm nhạc đó, nhiều cảm xúc đã tuôn trào. Những người Việt Nam hãnh diện về âm nhạc Việt Nam với những người bạn nước ngoài mà họ đưa đến thưởng thức âm nhạc. Những người nước ngoài lại choáng ngợp chìm đắm trong âm thanh Việt Nam thuần khiết.

Niềm tự hào và sự sững sờ cũng chỉ là lớp vỏ của cảm xúc, bởi vốn dĩ, giá trị của âm nhạc Việt Nam vẫn là như thế, rất hồn nhiên và trong trẻo, dễ chạm và độ cảm của con người. Chỉ là lần này, chúng cất lên từ những nhạc cụ mới lạ, gây tò mò nhưng lại cũng quen thuộc bởi chúng chính là những đồ vật sinh hoạt thường ngày.

Đây là bước đi đầu tiên của GOm show. GOm ở đây chính là báo danh của gốm, thế nhưng với 2 chữ cái đầu tiên được viết hoa, những người đã khiến gốm cất lên âm nhạc Việt Nam lại thể hiện tâm nguyện rằng muốn hành trình này đi (GO - tiếng Anh) được xa hơn, dài hơn, lâu hơn.

Những vật liệu của Việt Nam như tre, đất, nước đã làm nên nền văn minh vật chất của người Việt, giờ lại truyền tải âm nhạc của người Việt. Đấy chính là cách giới thiệu vẻ đẹp và tinh thần Việt Nam tuyệt vời nhất với thế giới. Bởi rất nhiều người Việt Nam cũng còn cảm thấy ươn ướt đuôi mắt khi những âm thanh đó chạm vào xúc cảm của mình.

Xem thêm