Tỉnh Ninh Bình mới có tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 4.000 km², quy mô dân số đứng thứ 6 cả nước với hơn 4,4 triệu người. Nơi đây có sự giao thoa văn hóa giữa Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và vùng núi Tây Bắc, tạo nên sự đa dạng hiếm có. Ninh Bình còn sở hữu hệ thống di sản, làng nghề dày đặc và nhiều danh thắng nức tiếng gần xa.
Về di tích, tỉnh Ninh Bình cũ có 81 di tích quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt (cố đô Hoa Lư, danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và núi Non Nước), 5 bảo vật quốc gia cùng 466 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nam (cũ) có 95 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt (chùa Đọi Sơn và đền Trần Thương). Trong khi đó, Nam Định (cũ) cũng sở hữu hơn 1.300 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Đền Trần-chùa Phổ Minh và chùa Keo Hành Thiện).

Gắn liền kho tàng di tích đồ sộ này là giá trị của những không gian văn hóa, lịch sử lâu đời, đặc sắc. Nếu như Ninh Bình tự hào với cố đô Hoa Lư, thì Nam Định lại là nơi phát tích vương triều Trần hào hùng, cái nôi của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và vùng đất học với truyền thống khoa bảng lừng lẫy. Còn Hà Nam mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn cổ kính.
Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình hứa hẹn trở thành vùng trung tâm của cả nước về du lịch tâm linh, khi có chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc, những quần thể chùa có quy mô rất lớn. Còn phải kể đến Đền Trần, Phủ Dầy và chùa Keo Hành Thiện, nơi thu hút đông đảo du khách hằng năm. Sự kết nối giữa các điểm đến sẽ tạo nên hành trình tâm linh liên hoàn, đáp ứng xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa. Chuỗi làng nghề truyền thống cực kỳ phong phú như thêu ren Văn Lâm, chiếu cói Kim Sơn, đúc đồng Ý Yên, cây cảnh Vị Khê, gốm sứ Bồ Bát, mây tre đan Ngọc Động, làng trống Đọi Tam… Đó là nguồn tài nguyên phong phú để phát triển du lịch cộng đồng.
Tỉnh Ninh Bình mới là bức tranh thiên nhiên sống động, từ đồng bằng, núi non hùng vĩ đến vùng ngập mặn và bờ biển dài gần 90 km. Trong đó, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Vườn quốc gia Xuân Thủy là những điểm nhấn của du lịch sinh thái và nghiên cứu. Hệ thống đường bờ biển dài mở ra cơ hội phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bổ sung cho các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh.
Theo đánh giá của ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia, việc sáp nhập các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình để hình thành tỉnh Ninh Bình mới không chỉ phù hợp xu thế thời đại và yêu cầu phát triển tất yếu của đất nước, mà còn mở ra dư địa, tiềm năng, cơ hội rất lớn để phát triển du lịch bền vững.
Ông Siêu đánh giá 4 lợi thế sẽ tạo động lực để du lịch Ninh Bình bứt phá, đó là: Sản phẩm du lịch phong phú, kết hợp du lịch sinh thái, tâm linh, biển đảo, nông nghiệp và làng nghề trong cùng một hành trình; hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện gồm các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy; truyền thống hiếu học, nguồn nhân lực dồi dào; cuối cùng là sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân Ninh Bình, tạo sức mạnh to lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển toàn diện.