Xử lý mạch đùn, mạch sủi trạm bơm Cẩm Bào.
Xử lý mạch đùn, mạch sủi trạm bơm Cẩm Bào.

Bắc Ninh liên tiếp xử lý sự cố đê điều

Từ cuối tháng 6 đến nay, tỉnh Bắc Ninh (mới) phát hiện hàng loạt sự cố sạt lở bờ, bãi sông và đê điều do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ lụt và các yếu tố địa chất bất lợi. Các sự cố này đe dọa an toàn hệ thống đê điều, nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông.

Sự cố sạt lở đê tả Thương

Ngày 20/6, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang (cũ) đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để xử lý sự cố sạt lở bờ, bãi sông Thương tại các đoạn từ K6+700-K6+834, K8+00-K8+250 và K9+850-K10+155 trên tuyến đê tả Thương, thuộc địa bàn phường Bắc Giang.

Các sự cố này xảy ra do đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 16 đến ngày 22/5.

Trong đó, cung sạt nguy hiểm nhất nằm cách Trạm Thủy văn Phủ Lạng Thương 11m về phía hạ lưu, với chiều dài 42m, ăn sâu vào bãi sông khoảng 10m, chiều sâu từ đỉnh cung sạt đến mặt nước là 2,5m.

Đỉnh cung sạt tại vị trí gần nhất chỉ cách chân đê phía sông 11,7m, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều. Nhiều cung sạt khác cũng xuất hiện liên tiếp, làm gia tăng nguy cơ mất ổn định tuyến đê.

Xử lý mạch đùn, mạch sủi Trạm bơm Cẩm Bào

Ngày 30/6, tại Trạm bơm Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm xuất hiện mạch đùn, mạch sủi trong khu vực bể hút của trạm bơm và phát hiện giếng lọc bị tắc, nước đục mang theo bùn cát đùn ra ngoài thành giếng.

Sáng 1/7, khi các đơn vị chức năng tổ chức hút nước, bùn sâu khoảng hơn 1m để xác định chính xác vị trí mạch sủi và tiến hành đặt giếng lọc thì khu vực này tiếp tục xuất hiện thêm hai mạch sủi mới, làm phức tạp tình hình.

Trước tình huống đó, đồng chí Nguyễn Văn Luận, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có mặt tại hiện trường cùng với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, xã Xuân Cẩm trực tiếp chỉ đạo phương án xử lý.

Trong đêm 1/7, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân đến từ xã Xuân Cẩm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực số 3, Lữ đoàn 675 (Binh chủng Pháo binh), Kho K23 (Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Quân khu 1)… cùng nhiều phương tiện phục vụ công tác xử lý sự cố.

Đến sáng 2/7, vị trí xuất hiện mạch đùn, mạch sủi cơ bản được xử lý.

gfsdg.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra điểm sạt lở đê tả Cầu, Hiệp Hòa.

Sạt lở đê tả Cầu, Hiệp Hòa

Ngày 28/6, Hạt Quản lý đê Hiệp Hòa phát hiện hai điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê tả Cầu, thuộc địa bàn thôn Đại Tân, xã Hợp Thịnh. Các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm: Đoạn K8+100-K8+250: Tổng chiều dài sạt lở khoảng 150m, với các cung sạt liên tiếp ăn sâu vào bãi sông từ 5-15m. Cung sạt nguy hiểm nhất dài 30m, cách mép đê phía sông 17m, chiều sâu từ đỉnh cung sạt đến mặt nước là 4,8m, gần sát khu dân cư (cách nhà dân 1-2m).

Đoạn K8+250-K8+500: Chiều dài sạt lở khoảng 250m, các cung sạt nối tiếp nhau, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê và các hộ dân sinh sống gần khu vực.

Đến ngày 30/6, tình trạng sạt lở tại đoạn K8+100-K8+250 tiếp tục lan rộng, đặc biệt tại khu vực nhà ông Ngô Văn Trường, nơi cung sạt ăn sâu vào sân gạch và nhà để xe khoảng 2,5m. Các cung sạt khác trong khu vực K8+250-K8+500 cũng được theo dõi chặt chẽ.

Nguyên nhân chính được xác định là do khu vực này chủ yếu là đất bãi bồi pha cát, dễ bị xói mòn. Dòng chảy xiết do phía đối diện đã được gia cố kè sông, dòng chảy có xu hướng thúc thẳng vào bãi sông bên này. Đồng thời thời tiết khô hanh kéo dài khiến đất nứt nẻ, sau đó mưa lớn tập trung làm đất ngậm nước, bão hòa, giảm độ kết dính.

Trước tình hình nguy hiểm, lực lượng phòng chống lụt bão tại chỗ đã thông báo và vận động 6 hộ dân gần cung sạt lở di dời tài sản và con người đến nơi an toàn. Đến tối ngày 30/6 đã có 4 hộ dân được chuyển đến trụ sở Ủy ban xã Đại Thành (cũ) để ở tạm.

Đồng thời huy động 30 dân quân và 3 xe tải được huy động để hỗ trợ vận chuyển tài sản cho người dân. Căng dây, cắm biển cảnh báo, cắm cọc tiêu và lập sổ theo dõi diễn biến sạt lở. Chặt cây, phát quang khu vực và bạt mái để giảm tải.

Đề xuất các giải pháp như hộ chân chống trượt bằng lăng thể đá hộc và gia cố bờ chống sạt lở. Các lực lượng chức năng cũng được yêu cầu theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và mực nước sông Cầu.

Ngày 9/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Công văn số 06 yêu cầu xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở tại khu vực K8+100-K8+500 trên tuyến đê tả Cầu, thuộc thôn Bảo Tân, xã Hợp Thịnh. Tổng chiều dài khu vực sạt lở khoảng 400m, với các cung sạt nối tiếp nhau, ăn sâu vào bãi sông từ 4-5,5m.

gfsdsd.jpg
Sạt lở đê ở Hiệp Hòa ăn sâu vào sân của các hộ dân.

Sạt lở đê bối Mỹ Thái

Ngày 7/7 tại đê bối thôn Thượng, xã Mỹ Thái, Bắc Ninh, một cung sạt trượt phía sông dài 65m, rộng 6-10m được phát hiện, ăn sâu sát mặt đê. Đến sáng 08/07, cung sạt phát triển thêm, tụt đoạn dài 65m, ăn sâu vào giữa mặt đê khoảng 3m, với chiều cao từ đỉnh đến chân cung sạt từ 12-15m.

Các vết nứt dọc xuất hiện cách mép mặt đê khoảng 50cm, tổng chiều dài 200m, đe dọa an toàn toàn bộ tuyến đê bối (cách đê chính tả Thương khoảng 300m).

Đêm 8/7, Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thái đã triển khai các biện pháp gia cố khẩn cấp huy động 5 ô-tô, 3 máy xúc, 1 máy ủi và 1 máy lu để đắp đất hộ đê với chiều dài hơn 100m, rộng 10m, cao gần 2m. Đến 17 giờ ngày 9/7, vị trí sạt lở dài 30m đã được gia cố cơ bản.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang, hiện nay mực nước trên các sông chính như sông Thương, sông Lục Nam và sông Cầu có khả năng xảy ra lũ với biên độ 2-6m, đạt mức báo động 1 đến trên báo động 2. Dự báo mưa lớn trong những ngày tới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và mất an toàn đê điều.

Để bảo đảm an toàn lâu dài, các địa phương và cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, mực nước sông và tình trạng sạt lở. Xây dựng các phương án hộ đê trọng điểm và xử lý tổng thể, sử dụng các giải pháp kỹ thuật như lăng thể đá hộc, kè chống sạt. Tăng cường quản lý việc xây dựng công trình dân sinh sát bờ sông, kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xem thêm