Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đường sắt đi qua.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025 đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 6 tháng đầu năm nay cao hơn so cùng kỳ năm trước, là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước đạt 7,96% so cùng kỳ, 6 tháng đạt 7,52%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2025.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là thách thức rất lớn. Thời gian tới, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, để thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra: Đến năm 2030 nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao bắc-nam. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu: Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế bắc-nam, các hành lang vận tải chính đông-tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết: Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam; Nghị quyết số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và Nghị quyết số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để huy động tối đa nguồn lực phát triển đường sắt giai đoạn tới.

Với đặc thù các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 15/3/2025 thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt và Quyết định số 24/QĐ-BCĐĐSQG ngày 17/3/2025 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo để tổ chức triển khai các dự án đường sắt.

Tại Phiên họp lần thứ hai, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã có Kết luận (tại Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025), trong đó chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, giao 48 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo đã hết sức trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao. Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng có báo cáo kiểm điểm từng nhiệm vụ giao.
Thời gian tới, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là hết sức nặng nề, quan trọng, cấp bách. Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, việc giao nhiệm vụ phải bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; "nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn".
Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.
"Công tác giải phóng mặt bằng tốt, chuẩn bị dự án tốt thì triển khai sẽ tốt, còn giải phóng mặt bằng ách tắc, tái định cư trục trặc thì công việc sẽ ách tắc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, điểm nghẽn, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đã báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai các công trình, dự án, trong đó tập trung về dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo chỉ có chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các chủ trương; các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn ban hành các quy định theo luật pháp.
Đề cập về ý nghĩa của các dự án đường sắt, Thủ tướng nhấn mạnh các dự án này sẽ tạo không gian phát triển mới, tạo thuận lợi cho giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo thuận lợi cho đi lại, tạo sinh kế cho nhân dân.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là vừa làm và điều chỉnh, không cầu toàn, nhưng làm đâu chắc đó, “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, chống tiêu cực, tham nhũng; triển khai nhiều nhiệm vụ một lúc nhưng có thứ tự ưu tiên.
Việc trình các cấp thẩm quyền tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình phải hoàn thành trước ngày 20/7/2025, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các bộ, ngành cần đánh giá cụ thể xem tuyến nào là đầu tư công, tuyến nào là đầu tư tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, xem xét, đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư tư.
Vấn đề tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương giao xã, phường làm, phấn đấu hết năm 2026 phải hoàn thành; Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy phải vào cuộc tích cực chỉ đạo.
Về hướng tuyến, Bộ Xây dựng thông báo các cột mốc cụ thể, tinh thần là phải tích cực, chủ động, hiệu quả; các địa phương phải chủ động nguồn vốn ngân sách.
Thủ tướng khẳng định chúng ta thống nhất khởi công đồng loạt các dự án giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và tuyến đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam vào ngày 19/8/2025. Các tỉnh có dự án tuyến đường sắt này đi qua cần phải chủ động các công việc, nhất là khảo sát địa chất. Các công ty tư vấn dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng cần tích cực làm.
Việc xây dựng tiêu chuẩn, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, ban hành trước ngày 15/8/2025. Việc lựa chọn nhà đầu tư tư nhân hay Nhà nước thì phải căn cứ luật hiện hành, vượt quá thẩm quyền phải báo cáo.
Bộ Ngoại giao thúc đẩy họp Ủy ban liên Chính phủ trong tháng 7/2025. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án của chúng ta thì cần phải chủ động mọi việc, kể cả vốn liếng. Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động làm, vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ.
Về việc sửa các quy định về Luật ODA, chúng ta đã sửa nhưng cần sửa tiếp Nghị định, do đó, về việc này, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì; nhấn mạnh tinh thần là phải khẩn trương, thông thoáng, phải hậu kiểm chứ không phải tiền kiểm.