Anh Bùi Xuân Sử, người trồng nhãn hữu cơ đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Hoàng Anh)
Anh Bùi Xuân Sử, người trồng nhãn hữu cơ đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Hoàng Anh)

Đưa đặc sản nhãn lồng Hưng Yên ra thị trường thế giới

Hơn 10 năm gắn bó với những gốc nhãn cổ quê hương, anh Bùi Xuân Sử, Phó Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu (Hưng Yên) không chỉ gìn giữ giống nhãn “tiến vua” trứ danh, mà còn xây dựng thương hiệu nhãn hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Australia và châu Âu, mở ra hướng đi bền vững cho nông sản địa phương.

Anh Bùi Xuân Sử, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Tân Hưng (tỉnh Hưng Yên) là người tiên phong chuyển đổi 1,5ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, sang chăm sóc theo phương pháp hữu cơ.

Ban đầu, anh Sử không được người thân trong gia đình và xã viên ủng hộ ý tưởng này vì chi phí đầu vào cao, giá nhãn bán ra bấp bênh, nhiều nông dân có ý định chuyển đổi sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, anh Sử vẫn quyết tâm làm vì anh nghĩ: “Sinh ra lớn lên ở thôn Nễ Châu, nơi có nhiều giống nhãn quý được mệnh danh là “nhãn tiến vua” của các cụ để lại, mình phải có trách nhiệm bảo tồn và giữ gìn, nhất là phải nâng tầm giá trị nông sản với phương pháp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế sạch, an toàn".

Hiện nay, anh Sử đại diện hai mã vùng nhãn xuất khẩu: vùng 1 trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vùng 2 trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia.

Quả nhãn ở thôn Nễ Châu có vỏ màu vàng sậm tự nhiên, cùi giòn, hạt nhỏ, có mùi thơm tự nhiên, vị ngọt thanh không đâu sánh bằng.

Sản phẩm nhãn ở đây được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.

Anh Bùi Xuân Sử cho biết, cái khó trong việc chuyển sang phương pháp trồng hữu cơ là cần nhiều thời gian để các hóa chất tồn dư trong cây và đất biến mất. Việc chuyển đổi cần phải thực hiện dần dần, nếu không cây bị sốc dinh dưỡng mà chết.

10-7-nhan-2-446.jpg
Các nguyên liệu để bón cho vườn nhãn hữu cơ của anh Bùi Xuân Sử. (Ảnh: Thanh Bình)

Thức ăn, nguyên liệu chính để bón cho cây là ngô, đỗ, cá; các chế phẩm để bảo vệ cây khỏi sâu bệnh là gừng, tỏi, rượu, ớt...

Thời gian đầu anh Sử phải đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình, sau đó về mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua hóa chất, thức ăn, chế phẩm.

Năm 2017, anh Sử chính thức bắt đầu chuyển đổi trồng nhãn và sản xuất nhãn bằng phương pháp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế sạch, an toàn.

Ban đầu, ngay cả vợ anh cũng không ủng hộ việc chuyển đổi trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ, vì cho rằng gia đình đang trồng nhãn theo phương pháp truyền thống, giá nhãn từ 10.000 đến 15.000đồng/kg còn khó bán. Trồng theo phương pháp hữu cơ, chi phí đầu vào lớn, nếu giá nhãn hữu cơ bán ra bằng giá nhãn truyền thống thì sẽ lỗ lớn.

Chuyển từ nhãn VietGAP sang hữu cơ, anh Sử đã từng thất bại, bởi lúc đó thị trường không thể nào phân biệt nhãn hữu cơ khác nhãn thông thường như thế nào, nên giá cả bán ra như nhau hết, doanh thu không đủ bù chi phí.

Nhưng anh Sử vẫn quyết tâm làm: “Nếu tôi dừng lại thì ai là người đầu tiên dám đột phá trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ".

Đến nay, diện tích trồng nhãn hữu cơ của Anh Sử đã lên đến diện tích trên 1,2 mẫu, sản lượng hằng năm đạt trên 6 tấn, giá bán ra thị trường 50.000đồng/kg.

Anh Sử và các Thành viên Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu còn vận động, giúp đỡ bà con xã viên chuyển đổi sang phương pháp trồng nhãn hữu cơ đem lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất nông nghiệp bền vững.

Vụ nhãn năm 2024, xã viên Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu đều rất phấn khởi vì nhãn được giá.

Ông Bùi Xuân Khu, xã viên Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, cho biết: “Anh Sử - Phó Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu dám đột phá bằng phương pháp sản xuất nhãn hữu cơ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như vụ nhãn năm 2023, nhãn VietGAP bán ra thị trường có giá 23.000 đồng/kg, thì đến năm 2024 Hợp tác xã bán 45.000 đồng/kg nhãn hữu cơ. Giá trị gần gấp rưỡi. Vụ nhãn năm 2024, tuy không được mùa nhưng lại được giá, nhà tôi cũng được thu được gần 4 tấn, thu được hơn 300 triệu đồng”.

Anh Bùi Xuân Sử đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để trồng nhãn ra hoa nhờ áp dụng thuốc sinh học, bên cạnh việc được mùa hoa, cần chăm sóc dưỡng hoa tới khi đậu quả.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng kinh nghiệm trồng nhãn, mà vườn nhãn nhà anh luôn sai hoa đậu quả. Kinh nghiệm của anh Sử là khi gặp mưa a-xít là phải bơm nước ao để phun rửa, nhờ vậy mà vườn nhãn nhà anh hơn 10 năm nay không bị rụng quả.

Anh Sử xây dựng nhãn hiệu độc quyền nhãn cùi cổ “Anh Sử”, sản phẩm được thiết kế bao bì đẹp. Anh vừa bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, vừa phân phối vào các siêu thị.

Để chuẩn bị cho vụ nhãn năm 2025, ngay đầu xuân anh Sử đã chăm sóc nhãn ra hoa đậu quả; đồng thời anh mua trên 4,5 tạ cá mè còn tươi để ngâm ủ với men vi sinh, vỏ hoa quả làm phân bón cho nhãn, sau 3 tháng sẽ đảo trộn với men biomic để khử mùi. Sau khi ủ xong, anh bón cho cây nhãn bằng 2 cách: bón vào gốc cây hoặc pha với nước phun vào lá.

Đến nay, vườn nhãn nhà anh Sử đã sẵn sàng đón khách đến đặt mua và tham quan chụp ảnh trải nghiệm.

Dự kiến vụ năm nay, vườn nhà anh Sử thu hoạch hơn 10 tấn nhãn quả, với giá bán 40.000 đồng/kg nhãn hương chi.

Ngoài trồng nhãn, anh Sử còn làm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Hồng Nam với diện tích hơn 6ha trồng các loại nho, rau củ quả, cây công trình… bằng phương pháp hữu cơ sạch, an toàn.

Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu và Hợp tác xã nông nghiệp xanh Hồng Nam đã nhiều lần được tỉnh Hưng Yên chọn làm điểm giới thiệu, trao đổi và tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm sản xuất nhãn sạch, an toàn, đồng thời đây cũng là điểm chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ để khách du lịch đến tham quan du lịch và chụp ảnh.

Xem thêm