Tránh bị lệ thuộc hoặc quá lạm dụng giám định, định giá
Theo dự thảo Tờ trình, việc xây dựng dự thảo Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản là nâng cao chất lượng, hiệu quả của giám định tư pháp, định giá tài sản, đóng góp quan trọng cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nêu rõ các yêu cầu đặt ra với việc xây dựng Chỉ thị, Vụ trưởng Vụ 1, Ban Nội chính Trung ương Mai Xuân Bình góp ý, riêng về các nhiệm vụ, giải pháp, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản.
Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức có chức năng giám định, định giá tài sản và đội ngũ giám định viên, thành viên hội đồng định giá, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với kinh nghiệm là địa phương đã có đề tài khoa học cấp tỉnh về định giá tài sản, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Bùi Thắng đề nghị Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp và cũng là đơn vị chủ trì tham mưu xây dựng Chỉ thị quan tâm, đề cập đến một số nội dung như việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giám định tư pháp, công tác thi đua khen thưởng và một số vấn đề về thể chế, nhất là việc khắc phục những bất cập của Luật giám định tư pháp, những xung đột giữa Luật giám định tư pháp và các Bộ luật, Luật có liên quan.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp, định giá tài sản, Đại tá Tống Như Sơn, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề xuất: các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao trách nhiệm, chất lượng, đổi mới, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản.
Các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất xác định sự cần thiết phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá trong các vụ án, vụ việc cụ thể; ưu tiên lựa chọn phương pháp, biện pháp để xác định hậu quả, thiệt hại phục vụ giải quyết nhanh chóng vụ án mà không nhất thiết phải ra quyết định trưng cầu, để tránh bị lệ thuộc hoặc quá lạm dụng việc giám định, định giá…
Phải xác định rõ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết, thời gian vừa qua, với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, việc triển khai thực hiện công tác giám định tư pháp và định giá tài sản của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả, có nhiều đổi mới, nhiều bước chuyển biến rất tích cực.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và so với thực tiễn đòi hỏi đối với cải cách tư pháp cũng như trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì cần đặt ra những yêu cầu cao hơn nữa, đòi hỏi phải hiệu quả hơn nữa, kịp thời hơn nữa để đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống tội phạm.
Để có thể tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị, Thứ trưởng Tư pháp chỉ rõ: nhiệm vụ cần làm là tổng kết, đánh giá suốt quá trình triển khai vừa qua, từ sự lãnh đạo của Trung ương đến lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; từ công tác quản lý nhà nước đến công tác thực thi, tổ chức thi hành pháp luật, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đối với hai công tác này, để từ đó thấy được những mặt tích cực, những ưu điểm và những kết quả đạt được.
Nhận diện được những hạn chế, tồn tại, chỉ ra được nguyên nhân để tham mưu các giải pháp trong Chỉ thị của Bộ Chính trị sao cho tất cả các ngành, các cấp, từ các tổ chức đảng đến chính quyền, các cơ quan chức năng, các công chức, đảng viên đều phải có trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu quả công tác giám định và định giá tài sản, khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Bộ Tư pháp đánh giá, đây là một nhiệm vụ hết sức thách thức, khó khăn, nhất là phải thể chế hóa được các lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị thành quy định pháp luật nhằm nâng cao kết quả của hai công tác mang tính chất đặc thù, phức tạp này.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo Chỉ thị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi khẳng định, cơ quan chủ trì sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và phối hợp với Bộ Tài chính, với các cơ quan chức năng để chỉnh lý, hoàn thiện, sớm trình theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Theo đó, cùng với việc tiếp tục tổng hợp và đánh giá đầy đủ, toàn diện về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với hai công tác này trong thời gian vừa qua; đánh giá đúng và đủ bối cảnh, tình hình, yêu cầu đặt ra của hai công tác này trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian sắp tới theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước, cơ quan chủ trì sẽ bám sát đường lối, chủ trương và quan điểm chỉ đạo để đề xuất những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp cần đưa vào Chỉ thị.
Cụ thể, phải xác định rất rõ về nhận thức, về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo toàn diện đối với hai công tác này. Địa phương nào thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì kết quả công tác sẽ rất tốt và có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện về thể chế.
Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang tiến hành triển khai xây dựng Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Đặc biệt là sẽ quan tâm công tác tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hai công tác này để tổng hợp và hoàn thiện Đề án, dự thảo Chỉ thị, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành trình Bộ Chính trị đúng như kế hoạch đề ra.