Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Đáng chú ý, sẽ bỏ thủ tục cấp phép xây dựng tại các khu đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt. Đây là bước tiến quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng tính minh bạch trong đầu tư, xây dựng.
Thay đổi là cần thiết
Dù việc cấp phép xây dựng đã được phân cấp mạnh cho địa phương, vi phạm trật tự xây dựng vẫn phổ biến. Nguyên nhân xuất phát từ cả chủ quan lẫn khách quan: lực lượng quản lý còn mỏng và yếu; người dân chưa tuân thủ nghiêm quy định; trong khi đó, cơ chế cấp phép trước đây còn nặng tính “xin - cho”, thiếu minh bạch, ràng buộc và còn nhiều lỗ hổng.
Nhiều vi phạm trật tự xây dựng đã để lại hậu quả nghiêm trọng, điển hình như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cách đây hai năm. Qua thanh tra, kiểm tra trên cả nước, nhiều công trình bị phát hiện xây vượt tầng, vượt mật độ, vi phạm quy chuẩn nhà ở và không bảo đảm an toàn PCCC so với giấy phép.
Trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền hai cấp, việc kiểm soát trật tự xây dựng sẽ càng phức tạp, với thách thức lớn nhất là thiếu cơ chế giám sát đồng bộ giữa quy hoạch và quản lý đô thị. Hiện Chính phủ đang xây dựng quy định mới để quá trình chuyển đổi hành chính diễn ra đúng hướng, không gây xáo trộn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc bỏ giấy phép xây dựng chỉ hiệu quả khi chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” đi kèm hệ thống giám sát chặt chẽ, công khai, số hóa toàn diện. Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng cơ chế thông báo xây dựng; nhiều nước châu Âu xử phạt hoặc tháo dỡ nếu công trình vi phạm quy hoạch. Với Việt Nam, bỏ giấy phép xây dựng là xu hướng tất yếu nhằm cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nếu thực hiện đúng, chính sách này không chỉ thúc đẩy đầu tư hạ tầng mà còn góp phần phát triển đô thị hiện đại, đồng bộ và bền vững.
Một số lưu ý
Để triển khai hiệu quả việc bỏ giấy phép xây dựng, cần phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500 và phê duyệt thiết kế đô thị ở các khu vực phát triển. Đây là cơ sở để kiểm soát hạ tầng, đô thị theo hướng bền vững. Với những nơi chưa có quy hoạch chi tiết, cần tiếp tục rà soát, cấp phép theo quy định nhưng đồng thời tạo thuận lợi tối đa về thủ tục cho người dân, nhà đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp đẩy nhanh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, công khai chỉ giới, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… để người dân dễ dàng tra cứu và quyết định đầu tư.
Chủ trương bỏ giấy phép xây dựng đòi hỏi phải điều chỉnh lại cách vận hành hệ thống quy hoạch cho phù hợp với mô hình hành chính mới, nhất là khi bỏ cấp huyện. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả và vai trò “nhạc trưởng” điều phối, việc bỏ cấp phép có thể gây khó khăn trong quản lý và bảo đảm tuân thủ quy hoạch chi tiết trong phát triển đô thị. Trước đây, ngành xây dựng quản lý theo mô hình “từ dưới lên” dựa trên Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, từ khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực, chuyển sang cách làm “từ trên xuống”, khiến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai.
Thực tế, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Nghị định 15/2021/NĐ-CP đã quy định 9 trường hợp miễn giấy phép xây dựng, trong đó có các công trình thuộc khu vực có quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, dù được miễn, người dân hoặc chủ đầu tư vẫn phải nộp thiết kế thi công, kế hoạch thi công, cam kết về an toàn và tuân thủ quy định để cơ quan chức năng giám sát.
Điều này cho thấy vai trò của chính quyền và lực lượng chuyên môn vẫn rất quan trọng - nhưng thay vì kiểm soát trước, cần chuyển sang theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình xây dựng. Việc này đòi hỏi lực lượng quản lý trật tự xây dựng phải được nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, nhất là khi chính quyền hai cấp đi vào hoạt động và quyền giám sát được tăng cường.
Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý và chế tài xử phạt, ý thức tuân thủ pháp luật trong đầu tư xây dựng cần được nâng cao hơn. Theo đó, chủ đầu tư công trình xây dựng cần tìm hiểu kỹ các quy định, quy chuẩn trong xây dựng, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm. Từ đó, việc bỏ giấy phép xây dựng mới thực sự mang lại hiệu quả, chuyển từ cơ chế “xin-cho” sang “giám sát-hậu kiểm”, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững của đô thị nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.