Công ty Việt Trường đã từng bước phục hồi và đến nay, hoạt động của nhà máy đã trở lại gần như 100%.
Công ty Việt Trường đã từng bước phục hồi và đến nay, hoạt động của nhà máy đã trở lại gần như 100%.

Trợ lực giúp doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai

Gần một năm sau khi siêu bão Yagi tàn phá, để lại tổn thất kinh tế nặng nề, nhiều doanh nghiệp tại Hải Phòng vẫn đang oằn mình trên hành trình hồi phục. Trong bức tranh ấy, có doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp lên tới 150 tỷ đồng, đang dần đứng dậy, phục hồi gần 100% công suất nhờ "cú huých" từ ngân hàng và bảo hiểm.

Siêu bão Yagi, đổ bộ vào Hải Phòng tháng 9/2024, là một trong những trận cuồng phong mạnh nhất trong hơn 70 năm qua tại miền bắc. Thiệt hại sơ bộ toàn thành phố lúc đó được thống kê lên tới 11.000 tỷ đồng, với hàng trăm nhà máy, kho xưởng bị sập đổ hoặc ngập sâu nhiều ngày liền.

Doanh nghiệp hồi sinh

Công ty TNHH Việt Trường là một trong những doanh nghiệp gánh chịu tổn thất nặng nề nhất. Cơn bão đã khiến toàn bộ khu Nhà máy số 3 ở Đồ Sơn ngập sâu trong nước, 3 trong 5 phân xưởng của nhà máy bị tốc mái, hệ thống sản xuất bị tê liệt, toàn bộ kho lạnh và hàng hóa bị hư hỏng nặng do nước tràn vào. Cả nhà máy bị mất điện, mất nước sinh hoạt trong 7 ngày cùng với toàn bộ mấy trăm lao động, ban lãnh đạo không thể nấu nướng, phải ăn mì tôm.

“Toàn bộ khu nhà xưởng, hàng hóa bị hư hỏng nặng nề. Tổng thiệt hại về tài sản và hàng hóa được xác định lên tới gần 150 tỷ đồng. Là một doanh nghiệp chuyên về chế biến thủy, hải sản xuất khẩu với 300 lao động, doanh thu trung bình 35 triệu USD/năm, thị trường tiêu thụ rộng khắp từ châu Âu, châu Á và Mỹ; chúng tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với rủi ro, vậy mà những thiệt hại mà siêu bão gây ra vẫn khiến chúng tôi tưởng như không thể gượng dậy nổi”, ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Trường bùi ngùi nhớ lại.

Không chỉ mất tài sản cố định, Công ty Việt Trường còn bị một số khách hàng hủy đơn vì nghi ngại tiến độ giao hàng và chất lượng sản phẩm.

“Chúng tôi đã phải mất 4 tháng để khôi phục được 50% công suất. Đã có thời điểm tôi từng nghĩ đến khả năng công ty có thể bị phá sản”, ông Ngô Minh Phương chia sẻ.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, sự đồng hành của các đối tác tài chính như ngân hàng Agribank và nổi bật nhất là Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank-ABIC) đã trở thành “tấm đệm an toàn” giúp Việt Trường có cơ hội khôi phục. Theo đó, ngay sau khi bão tan, đội ngũ giám định viên của ABIC đã kịp thời có mặt tại hiện trường để động viên doanh nghiệp và tiến hành khảo sát, lập hồ sơ và triển khai quy trình bồi thường khẩn cấp. Chỉ sau hơn 20 ngày, ABIC đã hỗ trợ tạm ứng 10 tỷ đồng, chia làm 2 đợt. Đợt đầu là 2 tỷ đồng ngay hôm bão tan.

“Khoản tạm ứng trong tuần đầu tiên này thực sự là một miếng khi đói bằng một gói khi no vì đã giúp chúng tôi có kinh phí lợp lại mái tôn tạm, sửa chữa điện để công nhân có chỗ làm việc an toàn”, ông Phương cho hay. Tiếp đó là đợt tạm ứng lần thứ 2 trị giá 8 tỷ đồng. Đây thực sự là nguồn tài chính hỗ trợ rất kịp thời nhằm "tiếp máu" cho công ty, giúp công ty có nguồn lực để từng bước khắc phục khó khăn.

Đáng chú ý, Công ty Việt Trường không chỉ tham gia bảo hiểm với riêng ABIC mà còn ký với một số đơn vị bảo hiểm khác. Tuy nhiên, trong khi những đơn vị đó vẫn đang trong quá trình đánh giá và xử lý bồi thường, ABIC đã thực hiện phương án hỗ trợ nhanh nhất cho khách hàng. “Khoản tiền từ ABIC đến rất đúng lúc. Nếu không có nguồn này, chúng tôi không thể khởi động lại nhà máy, không thể giữ được mấy trăm công nhân lao động. Không chỉ là tiền, đó là niềm tin vào hệ thống bảo hiểm, là sự hỗ trợ thực chất trong lúc nguy cấp”, ông Phương chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo Giám đốc Ban Giám định Bồi thường của ABIC, ông Vũ Hồng Sơn, vụ tổn thất tại công ty Việt Trường được đánh giá là đặc biệt phức tạp, bao gồm cả thiệt hại nhà xưởng và hàng hóa đông lạnh. Việc xác định mức độ hư hỏng của hải sản không thể chỉ nhìn bằng mắt thường mà phải thông qua các biện pháp kiểm nghiệm phức tạp, trong khi xử lý tài sản thu hồi cũng đòi hỏi quy trình chặt chẽ. Mặc dù vậy, ABIC cũng đã chứng tỏ sự chuyên nghiệp của mình khi áp dụng nhiều "cơ chế mở", tiết giảm tối đa các thủ tục hành chính, linh hoạt trong việc thu thập hồ sơ chứng từ để rút ngắn thời gian xử lý.

"ABIC xác định phải làm sao để khách hàng nhận được tiền bồi thường nhanh nhất có thể. Có những trường hợp chúng tôi tạm ứng lên đến 90% giá trị thiệt hại ước tính. Với ABIC, trách nhiệm với khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu", ông Vũ Hồng Sơn nhấn mạnh.

"Lá chắn" tài chính vững chắc

Đến thời điểm này, ABIC đã hoàn tất chi trả toàn bộ hơn 22,4 tỷ đồng cho tổn thất hàng hóa của Công ty Việt Trường. Riêng phần thiệt hại tài sản của doanh nghiệp cũng đã được ABIC tạm ứng 50% và đang chờ hoàn tất chứng từ để giải quyết dứt điểm. “Chúng tôi dự kiến tổng chi bồi thường cho 536 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi sẽ lên đến 177 tỷ đồng, trong đó Việt Trường là một trong những hồ sơ lớn và tiêu biểu nhất”, ông Sơn cho biết thêm.

ong-vu-hong-son-giam-doc-ban-giam-dinh-boi-thuong-cua-abic-cung-can-bo-abic-hai-phong-trao-so-tien-boi-thuong-cho-cong-ty-viet-truong-sau-bao-yagi-7266.jpg
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Ban Giám định Bồi thường của ABIC cùng cán bộ ABIC Hải Phòng trao số tiền bồi thường cho công ty Việt Trường sau bão Yagi.

Cùng với ABIC, ngân hàng Agribank cũng nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các chính sách hỗ trợ tích cực như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khoản vay, tạo nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Thơ, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hải Phòng chia sẻ: Ngay sau bão, Agribank đã rà soát tình hình thiệt hại của doanh nghiệp, triển khai các gói hỗ trợ như giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay trung và dài hạn. Mục tiêu là bảo đảm không để dòng tiền bị đứt đoạn, doanh nghiệp vẫn trả lương, duy trì sản xuất và có vốn phục hồi. Việt Trường hiện có tổng dư nợ hơn 200 tỷ đồng tại Agribank, gồm cả vay lưu động và trung hạn.

Chính nhờ những trợ lực từ phía ngân hàng Agribank và ABIC như vậy, Công ty Việt Trường đã từng bước phục hồi và đến nay, hoạt động của nhà máy đã trở lại gần như 100%. Doanh thu đã đạt 70-80% so cùng kỳ năm trước với hơn 180 lao động trở lại làm việc thường xuyên. Đặc biệt, bên cạnh vẫn giữ chân được các đối tác bạn hàng chủ chốt, Công ty Việt Trường còn nhanh chóng tái cấu trúc tài chính cũng như phát triển thêm các mặt hàng mới như cá rô phi để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và đang xúc tiến thị trường Trung Đông.

Như vậy có thể thấy, Việt Trường là một trường hợp đáng ghi nhận về khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau thiên tai. Điều này có được là nhờ doanh nghiệp có phương án quản trị rủi ro tốt, nhưng cũng không thể không nhắc tới vai trò của bảo hiểm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai trở nên khó lường, vai trò của bảo hiểm ngày càng trở nên quan trọng. Đó không chỉ là sự chi trả về vật chất, mà còn là sự đồng hành, chia sẻ và cam kết trách nhiệm, giúp doanh nghiệp vững tâm vượt qua giông bão, tiếp tục phát triển bền vững.

Theo Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hải Phòng Trịnh Thị Thơ, bảo hiểm không chỉ đơn thuần là một công cụ để “chuyển giao rủi ro”, mà còn là một phần không thể thiếu trong hệ thống quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Khi được tích hợp đúng cách, bảo hiểm sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất, duy trì hoạt động ổn định và từ đó tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.

“Việc kết hợp bảo hiểm trong quản trị rủi ro tài chính giúp Công ty Việt Trường nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung không phải chi trả những khoản tổn thất lớn một cách bất ngờ. Điều này bảo đảm dòng tiền không bị gián đoạn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và thanh toán các nghĩa vụ tài chính khác của khách hàng, thí dụ như tiền lương, nợ vay và chi phí hoạt động”, bà Trịnh Thị Thơ nhận định.

Trên thực tế, phát triển bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) được xác định là một trong ba trụ cột chiến lược trong hành trình xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện của Agribank. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Tô Huy Vũ chia sẻ: Phát triển bancassurance không chỉ là nhiệm vụ của Agribank hay ABIC, mà còn là trách nhiệm với nông dân, khách hàng và nền kinh tế nói chung.

Hiện có hơn 2 triệu khách hàng Agribank tham gia Bảo an tín dụng của ABIC. Tổng số tiền ABIC chi trả bồi thường năm 2024 lên đến 762 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2007 đến nay là 6.844 tỷ đồng.

Xem thêm