Hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long là nét văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế
Hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long là nét văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế

Khai thác giá trị văn hóa gắn với du lịch cộng đồng

Không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên, Quảng Ninh còn phong phú về văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Những yếu tố đó đã trở thành nguồn tài nguyên vô giá, là động lực để Quảng Ninh phát triển trở thành trọng điểm dịch vụ, du lịch hàng đầu của cả nước.

Mới đây, show diễn thực cảnh "Đi tìm dấu ngọc" tại hang Ngọc Rồng ở phường Cẩm Phả đã mang đến "làn gió mới" cho du lịch văn hóa Quảng Ninh. Đây là show diễn đầu tiên được tổ chức ngay trong lòng một hang động tự nhiên, kết hợp công nghệ sân khấu hiện đại đã làm nổi bật vẻ đẹp nguyên sơ và kỳ vĩ của thiên nhiên. Không gian biểu diễn độc đáo cùng sự hòa quyện giữa ánh sáng, âm thanh, nghệ thuật trình diễn đã tạo nên một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới, đậm chất văn hóa và đầy tính trải nghiệm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Hang Ngọc Rồng là một sân khấu độc đáo, hấp dẫn du khách. Việc kết hợp sân khấu đặc biệt này cùng nghệ thuật biểu diễn văn hóa truyền thống độc đáo không chỉ góp phần nâng tầm các di sản thiên nhiên mà còn tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bởi những nét văn hóa độc đáo của Quảng Ninh”.

Cùng với show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc”, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa của Quảng Ninh cũng được du khách trong và ngoài nước yêu thích, trong đó phải kể đến sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch dân tộc Sán Dìu (Đặc khu Vân Đồn). Điểm nhấn của làng văn hóa là khu vực trưng bày trang phục truyền thống, các nghi thức đám cưới, lễ hội, tín ngưỡng và các sản phẩm thủ công đặc trưng của người Sán Dìu.

Những nghi lễ đặc sắc, như: Lễ cưới hỏi, lễ Đại Phan với các nghi thức leo dao, múa Hành Quang đều được tái hiện sống động cùng với hệ thống âm thanh, ánh sáng và màn hình cảm ứng hiện đại tạo sức hấp dẫn cho du khách. Từ cuối năm 2024, địa điểm này đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Là địa phương miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, xã Bình Liêu đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ xác định đúng hướng đi chiến lược: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Điểm nổi bật trong phát triển du lịch Bình Liêu là sự gắn kết hài hòa giữa khai thác tài nguyên thiên nhiên với gìn giữ văn hóa bản địa. Các bản làng người Tày, Dao, Sán Chỉ được quy hoạch thành điểm du lịch cộng đồng, bảo tồn kiến trúc nhà đất nện, trang phục truyền thống, lễ hội dân gian, như soóng cọ, hội mùa vàng, hội hoa sở... Xã còn khuyến khích mặc trang phục dân tộc trong trường học, công sở 2 ngày/tuần, nhằm giữ gìn, lan tỏa giá trị văn hóa vào đời sống hiện đại.

Ông Hoàng Huy Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Liêu cho biết: “ Địa phương đang tiếp tục duy trì và phát huy giá trị lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán.

Đồng thời, xã chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ dân gian nhằm bảo tồn, phát huy các loại hình dân ca truyền thống như: Hát then của dân tộc Tày, hát pả dung của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ”.

Hiện nay, Quảng Ninh đang sở hữu khoảng 120 lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên, vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa du lịch riêng có như: Carnaval Hạ Long, hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, hoa sở, trà hoa vàng, lễ hội hoa sim biên giới...

Bên cạnh đó, từ các giá trị văn hóa, lịch sử, các sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Ninh cũng ra đời, như: “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Khám phá Cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... được du khách trong nước và quốc tế đón nhận.

Với hơn 630 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 6 khu di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 150 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; cùng với đó là hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể các loại, trong đó có 7 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Then nghi lễ người Tày Bình Liêu được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đây thật sự là nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào để Quảng Ninh không ngừng nâng tầm giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lâm Nguyên cho biết: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng, miền, thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng địa phương, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch”.

Với chiến lược bài bản, cụ thể, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa - du lịch theo hướng liên vùng, liên khu vực, liên quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật cấp vùng; là điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa trong nước và khu vực.

Xem thêm