Thợ chế tác ở làng nghề Lộng Thượng, xã Đại Đồng, tỉnh Hưng Yên.
Thợ chế tác ở làng nghề Lộng Thượng, xã Đại Đồng, tỉnh Hưng Yên.

Giữ lửa làng nghề đúc đồng Lộng Thượng

Làng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (làng Rồng) nổi tiếng là cái nôi của nghề đúc đồng ở tỉnh Hưng Yên. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, làng nghề vẫn bền bỉ tồn tại, chắt chiu tinh hoa từ bàn tay người thợ thổi hồn vào từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần khẳng định thương hiệu đồ đồng Lộng Thượng trên bản đồ làng nghề Việt.

Nơi lửa nghề chưa bao giờ tắt

Lộng Thượng là một trong 4 làng nghề đúc đồng nổi tiếng của xã Đại Đồng, cùng với Văn Ổ, Xuân Phao và Bùng Đông. Theo sử sách, tổ nghề đúc đồng là Quốc sư Khổng Minh Không (triều Lý), người đã truyền dạy kỹ nghệ luyện kim cho dân làng. Trải qua bao biến thiên lịch sử, làng Lộng Thượng không chỉ giữ vững nghề truyền thống mà còn phát triển mạnh, nhất là các dòng sản phẩm thờ cúng như đỉnh, lư, hạc, chân nến, mâm bồng, chuông đồng… vốn đòi hỏi kỹ thuật cao và tay nghề tinh xảo.

Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004, địa phương đã quan tâm hỗ trợ người dân vay vốn, cải thiện cơ sở hạ tầng, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm. Đến nay, cả thôn có khoảng 200 hộ duy trì nghề đúc đồng; trong đó không ít hộ đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Dẫu vậy, phần lớn vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, với nhiều công đoạn phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm cá nhân.

Điểm đặc biệt của nghề đúc đồng ở Lộng Thượng là sự cầu kỳ ngay từ khâu làm khuôn; từ việc chọn loại đất đen trộn trấu, sét, giấy dó… đến thao tác “lấy thịt” để kiểm soát độ dày mỏng của lớp đồng, tất cả đều đòi hỏi sự tinh tế và cảm quan cao. Một sản phẩm thành công là kết quả của cả quá trình lao động tỉ mỉ, mang theo dấu ấn riêng của từng nghệ nhân.

Gìn giữ “hồn nghề” qua từng thế hệ

Giữa làng nghề có lịch sử lâu đời, nghệ nhân Dương Văn Tập, chủ cơ sở đồ đồng Tập Yên là người tiên phong theo đuổi hướng đi riêng biệt: Đúc tượng truyền thần; đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ tạo hình, thẩm mỹ và cảm xúc rất cao. Cách đây 15 năm, nhận thấy thị trường cần những sản phẩm mang tính cá nhân hóa, anh Tập quyết tâm học hỏi và nghiên cứu sâu về kỹ thuật đúc tượng truyền thần.

Theo anh Tập, công đoạn khó nhất chính là tạc mẫu theo ảnh. Từ một tấm ảnh chân dung, nghệ nhân phải phác họa, nặn mẫu bằng đất sét hoặc sáp, chỉnh sửa thủ công đến từng đường nét nhỏ nhất. “Tượng truyền thần không chỉ giống khuôn mặt mà phải truyền tải được thần thái, khí chất và phong cách sống của người trong ảnh”, anh Tập chia sẻ.

Một nghệ nhân tiêu biểu của làng nghề, ông Nguyễn Văn Hồng, chủ cơ sở đồ đồng mỹ nghệ Hồng Thắm cho biết: “Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm công nghiệp, điều cốt lõi giúp làng nghề tồn tại là giữ được giá trị truyền thống nhưng không ngừng đổi mới mẫu mã, kỹ thuật. Chúng tôi luôn chú trọng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, có giá trị văn hóa riêng biệt như đỉnh, chuông, lư hương…, đó là thế mạnh mà không phải làng nghề nào cũng có”.

Nhờ tư duy nhạy bén, cơ sở sản xuất của ông Hồng đã từng bước mở rộng thị trường, không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu, đáng chú ý là có các đơn hàng từ thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Các sản phẩm của làng nghề Lộng Thượng được đánh giá cao bởi độ bền, vẻ đẹp cổ kính và kỹ thuật hoàn thiện tinh xảo. Anh Dương Việt Bách, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng tâm sự: Hiện nay làng nghề đang đứng trước cơ hội và thách thức song hành.Một mặt, nhu cầu thị trường về các sản phẩm thờ cúng, đồ phong thủy, tượng truyền thần… ngày càng lớn; mặt khác, lực lượng lao động kế cận lại thiếu hụt, phần vì làm nghề vất vả, lại kén khách, phần vì thiếu người truyền lửa cho thế hệ trẻ. Do vậy, chúng tôi xác định phải đào tạo lớp thợ trẻ bài bản để tiếp nối nghề.

Giữa dòng chảy hiện đại, khi máy móc có thể sản xuất hàng nghìn sản phẩm giống hệt nhau, thì mỗi sản phẩm thủ công từ làng nghề đúc đồng Lộng Thượng lại mang trong mình một cá tính riêng, đậm chất văn hóa dân tộc.

Bằng sự tâm huyết của những nghệ nhân như anh Dương Văn Tập, ông Nguyễn Văn Hồng… cùng sự đồng hành của chính quyền và cộng đồng, nghề đúc đồng Lộng Thượng không chỉ sống mãi, mà còn vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Xem thêm