Hạn chế trong chăn nuôi đại gia súc khu vực Đồng bằng sông Hồng là quy mô nhỏ lẻ.
Hạn chế trong chăn nuôi đại gia súc khu vực Đồng bằng sông Hồng là quy mô nhỏ lẻ.

Chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc

Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của vùng Đồng bằng sông Hồng, các địa phương trong vùng đang đẩy mạnh đầu tư, tập trung vào việc phát triển bền vững, đặc biệt là chăn nuôi các giống bò thịt, bò sữa, với mục tiêu đạt tổng đàn 700 nghìn con và 2,6 triệu tấn sữa tươi nguyên liệu vào năm 2030.

Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò, trong đó Hà Nội là địa phương dẫn đầu khu vực. Hiện số lượng đàn gia súc trên địa bàn thành phố có khoảng 29 nghìn con trâu và 124 nghìn con bò, cung cấp một lượng thịt và sữa rất lớn phục vụ hơn 8,4 triệu dân của thành phố, mỗi năm ước đạt 2.134 tấn thịt trâu hơi và 10.595 tấn bò hơi.

Đàn trâu bò tập trung phát triển ở các xã Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Phù Đổng và các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn toàn thành phố. Không chỉ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn, Hà Nội còn là nơi cung cấp giống trâu, bò chất lượng cao cho nhiều địa phương trên cả nước. Tháng 6/2025, Hà Nội đã tặng tỉnh Nghệ An 100 con bò giống chất lượng và được phân bổ cho 30 hộ dân để nhân giống, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới.

Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã và đang hình thành những vùng chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khác với chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây, các hộ chăn nuôi tại các xã, phường vùng bãi như: Tân Hưng, Sơn Nam, Hồng Châu đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, áp dụng mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo. Đây là mô hình không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn kiểm soát tốt về chất lượng sản phẩm và môi trường chăn nuôi. Toàn phường Sơn Nam hiện nuôi gần 7.000 con bò thịt, cơ bản đều nuôi theo hình thức nhốt chuồng.

Tại xã Tân Hưng, đàn bò duy trì khoảng 3.000 con, phát triển cả theo hướng bò thịt và bò sinh sản. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn và con giống chất lượng, nhiều hộ dân đã đạt hiệu quả chăn nuôi bền vững, ổn định thu nhập qua nhiều năm. Tổng đàn bò của Hưng Yên hiện nay đạt hơn 13.000 con, cho sản lượng thịt bò khoảng 700 tấn/năm. Theo người chăn nuôi, thời gian nuôi bò khoảng 8 tháng. Mỗi con bò cho thu lãi từ 20 đến 25 triệu đồng. 90% đàn bò thịt ở Hưng Yên là giống bò lai ngoại, cho chất lượng thịt vượt trội so với giống bò địa phương, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 30 nghìn con bò, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Tiên Du, Thuận Thành, Yên Phong, Lương Tài, Quế Võ và Gia Bình. Tuy nhiên, tỉnh chủ yếu phát triển chăn nuôi bò tại các hộ gia đình nhỏ lẻ, các đơn vị có quy mô sản xuất lớn như trang trại, hợp tác xã chiếm tỷ lệ thấp.

Hiện tỉnh đang triển khai kế hoạch tăng cường đầu tư nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm tại các trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, chất xử lý môi trường), nâng tổng số trang trại, hợp tác xã nhằm phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn và xây dựng chuỗi giá trị bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), vùng Đồng bằng sông Hồng còn nhiều hạn chế và khó khăn trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi đại gia súc nói riêng. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế.

Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tồn tại nhiều bất cập trong việc kết nối giữa sản xuất và thị trường. Hệ thống giết mổ gia súc, còn bất cập, số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn nhiều, số cơ sở giết mổ tập trung ít, công suất thực tế còn thấp so với công suất thiết kế. Trong suốt thời gian dài, các loại dịch bệnh như: lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò luôn tiềm ẩn. Người chăn nuôi vẫn thiếu vốn, thiếu quỹ đất để đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển, thời gian tới hướng đi trong chăn nuôi của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng là phát triển các trang trại, các gia trại quy mô lớn, bảo đảm kết hợp giữa sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái. Các cơ sở chăn nuôi cần tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và xây dựng chuỗi giá trị, kết nối phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm với định hướng phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm.

Các địa phương cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao; áp dụng các giải pháp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chăn nuôi đóng vai trò là nguồn cung cấp thịt, sữa cho con người, đồng thời là nguồn cung cấp phân bón chất lượng cho canh tác hữu cơ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người nuôi trong việc vay vốn ưu đãi, các chính sách về đất đai nhằm mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Xem thêm