Một gian hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Ngọc Lâm (phường Bồ Đề).
Một gian hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Ngọc Lâm (phường Bồ Đề).

Tìm giải pháp nâng cấp hệ thống chợ

Theo kế hoạch đề ra năm 2021, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 169 chợ. Đến tháng 6/2024, số lượng chợ đề xuất xây mới, xây lại được điều chỉnh còn 55 chợ; số chợ nâng cấp, cải tạo còn 97 chợ.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn vẫn rất chậm.

Sở Công thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có 457 chợ. Trong đó, chỉ có 91 chợ kiên cố, còn lại 250 chợ bán kiên cố và 116 chợ tạm. Về phân hạng chợ, có 24 chợ đang thuộc diện di dời, giải tỏa để thực hiện dự án khác hoặc nằm trên đất ngoài đê, đất cây xanh, đất nông nghiệp... cho nên không phân hạng. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, hiện còn nhiều chợ chưa bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy như các chợ La Phù, Ngãi Cầu, Lưu Xá, Nghĩa Tân, Đống Đa...

Đến thời điểm này, Hà Nội mới hoàn thiện đầu tư xây mới được 9 chợ; 9 chợ đang hoàn thiện nốt các hạng mục, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Các chợ còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư. Tương tự, đối với các dự án cải tạo, nâng cấp chợ, thành phố mới hoàn thành được 42 chợ, vẫn còn 20 chợ đang thi công, 20 chợ đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư, 10 chợ chưa bố trí được nguồn ngân sách để đầu tư cải tạo...

Sở Công thương Hà Nội đánh giá, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa được quan tâm một cách đầy đủ, cho nên chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch thành phố giai đoạn 2021-2025 và hằng năm.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, với mục tiêu là phục vụ nhu cầu dân sinh, hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, khai thác chợ thấp. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư còn hạn chế. Tuy đã tích cực kêu gọi xã hội hóa, nhưng các doanh nghiệp ít quan tâm lĩnh vực đầu tư, cải tạo chợ, làm ảnh hưởng công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Doanh thu từ chợ rất thấp, chỉ đủ bù đắp chi phí vệ sinh môi trường và một phần chi phí quản lý, không đủ để bù đắp các khoản khấu hao và phục vụ sửa chữa, nâng cấp, cải tạo.

Công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều chợ có diện tích nhỏ không bảo đảm giao thông, cơ sở vật chất xây dựng từ lâu, cho nên khó khắc phục hệ thống phòng cháy, chữa cháy để nghiệm thu đúng tiêu chuẩn. Một số phường, xã chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân, dẫn đến phát sinh các tụ điểm họp chợ trái phép. Theo thống kê, trên địa bàn vẫn còn và phát sinh 85 chợ cóc mà chính quyền các địa phương chưa giải tỏa được.

Trước thực trạng này, Hà Nội rất cần một cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để nâng cấp, cải tạo được hệ thống chợ trên địa bàn. Sở Công thương Hà Nội đã đề nghị Bộ Tài chính tham mưu cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đầu tư xây dựng chợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhằm giúp giảm chi phí đầu vào; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ tương đương với mức thu áp dụng khi chợ đang do nhà nước quản lý để bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

Các đơn vị, sở, ngành liên quan như Sở Tài chính, Thuế, Nông nghiệp và Môi trường… quan tâm, hướng dẫn tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan công tác xây mới, cải tạo chợ. Công an thành phố Hà Nội tập trung hướng dẫn các đơn vị hành chính cơ sở, đơn vị quản lý các chợ đầu tư cải tạo sửa chữa, bố trí đầy đủ các trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định để các chợ bảo đảm đủ tiêu chuẩn, an toàn về phòng cháy chữa cháy. Chính quyền các xã, phường thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: “Trong công tác đầu tư, xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, cần đẩy mạnh kêu gọi vốn xã hội hóa, nếu không được có thể tính đến sử dụng vốn đầu tư công. Các đơn vị cần triển khai đúng kế hoạch được giao, đồng thời, giao trách nhiệm cho các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, dứt khoát xóa bỏ “chợ cóc”, chợ tạm”.

Xem thêm