Trước thực tế này, các trường trung học phổ thông tăng cường tư vấn, hướng dẫn trực tiếp và đề xuất đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp từ bậc trung học cơ sở.
Hiện các trường trung học phổ thông (THPT) tại Hà Nội đang tiến hành thu hồ sơ đăng ký nhập học của gần 80.000 học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập năm học 2025-2026. Đã là hạn cuối để xác nhận nhập học trực tuyến, nhưng khi phải điền vào mục đăng ký lớp học theo nhóm lớp, chị Mai Thị Hạnh, phụ huynh học sinh Trường THPT Quang Trung-Đống Đa khá lúng túng, khi phải lựa chọn tổ hợp các môn học cho con.
Theo chị Hạnh, hiện chị cũng chưa nắm được năng lực, sở thích của con phù hợp tổ hợp tự nhiên hay xã hội. Khi được giáo viên tư vấn hỏi con có mong muốn sau này thi vào trường đại học nào, theo ngành nghề gì, thì chị càng lúng túng. Sau nhiều cuộc điện thoại trao đổi với giáo viên cũ của con, bạn bè cùng có con đi thi, chị Hạnh quyết định chọn nhóm tổ hợp các môn Địa lý, Vật lý, Tin học, Công nghệ Công nghiệp vì không quá lệch về khối tự nhiên, vẫn có cơ hội thi sang khối xã hội. Mặc dù đã đăng ký, nhưng thấy chị Hạnh vẫn còn băn khoăn, chưa chắc chắn, tổ tư vấn nhà trường đành cho chị về nhà suy nghĩ thêm và hứa cho thay đổi nguyện vọng nếu gia đình có nhu cầu chọn tổ hợp khác.
Cô Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung-Đống Đa trực tiếp tư vấn cho phụ huynh cho biết, tình trạng bối rối, không biết chọn tổ hợp lựa chọn nào xảy ra với không ít phụ huynh và học sinh vì việc này còn chưa được phổ biến rõ ràng ở bậc trung học cơ sở. “Ngoài việc nhà trường tổ chức một buổi tư vấn sớm ngay sau thời điểm công bố điểm chuẩn vào trường cho các phụ huynh, học sinh lớp 10 năm học mới thì nhà trường triển khai nhiều tổ tư vấn ngay tại trường khi phụ huynh đến đăng ký nhập học cho con. Thành viên Ban Giám hiệu tham gia tư vấn tích cực để phụ huynh hiểu rõ mục đích của việc lựa chọn tổ hợp các môn học với mục tiêu định hướng nghề nghiệp sớm. Việc xây dựng bốn nhóm tổ hợp các môn lựa chọn của nhà trường đã được cân nhắc rất kỹ để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được học theo sở trường, năng lực. Chỉ khi các con được tư vấn đầy đủ nhất thì nhà trường mới ổn định giảng dạy, hạn chế đến mức thấp nhất những xáo trộn do các con sau khi học một thời gian thấy không phù hợp muốn xin đổi tổ hợp...”- cô Lập cho biết.
Tại Trường THPT Kim Liên, phụ huynh có con trúng tuyển lớp 10 năm học tới đều đã được nhà trường mời đến tham dự buổi tư vấn định hướng lựa chọn môn học từ ngày 10/7, trước thời điểm xác nhận nhập học. Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên chia sẻ: “Nhà trường đã tính toán kỹ, xây dựng bốn tổ hợp môn lựa chọn có thể kết nối với nhiều tổ hợp xét tuyển nhất của các trường đại học. Để phụ huynh, học sinh dễ hình dung, nhà trường đã lập bảng đối chiếu tổ hợp các môn lựa chọn của trường với 30 đến 37 tổ hợp xét tuyển đại học. Qua đó, phụ huynh, học sinh sẽ hình dung mình học những môn này thì có thể đăng ký xét tuyển đại học vào những tổ hợp ngành nghề nào...”.
Theo cô Hiền, với ưu điểm là trường có đầu vào chất lượng cao, nhà trường luôn phải xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp yêu cầu, năng lực của học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhất là cần phù hợp quy định mới của ngành giáo dục như Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm hay định hướng đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhà trường nhận thấy, rất cần có mô hình dạy và học phù hợp, nhằm đáp ứng xu thế giáo dục đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho học sinh. “Mô hình lớp học định hướng đại học tốp đầu được nhà trường xây dựng công phu, chuyên sâu theo với lộ trình được thiết kế riêng, sát với năng lực, định hướng nghề nghiệp. Học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng bên cạnh chương trình chính khóa. Ngay từ lớp 10, các con sẽ học tăng cường các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hai tiết mỗi môn/tuần hoàn toàn miễn phí theo đúng quy định Thông tư số 29. Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể đăng ký tự nguyện với mức phí phù hợp nhất để lấy chứng chỉ quốc tế…”, cô Hiền cho biết.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho hay, việc hướng nghiệp từ cấp 2 cũng được các thầy, cô giáo thực hiện rồi. Tuy nhiên, các em cũng chưa nắm rõ. Lên cấp 3, công việc này sẽ rõ ràng và chi tiết hơn. Theo cô Quỳnh, nên có sự giao thoa giữa các trường THPT với các trường trung học cơ sở từ trước khi các em lựa chọn thi vào các trường cấp 3, gồm hướng dẫn, giới thiệu các tổ hợp môn học, cách thức lựa chọn nghề nghiệp, các khối ngành đại học, các ngành nghề đòi hỏi các tổ hợp nào giúp học sinh sớm biết, sớm hình thành những khái niệm hoặc mô hình sẽ phải lựa chọn và không còn bỡ ngỡ.