Từ sau lễ khởi công (ngày 19/5/2025) đến nay, các nhà thầu tham gia dự án xây dựng cầu Tứ Liên đã huy động nhân lực, máy móc, tăng tốc thi công các hạng mục san ủi mặt bằng, thi công phần đường dẫn, khoan địa chất để xây các trụ cầu chính... Hiện tại nhà thầu đang thi công cọc khoan nhồi của cầu dây văng. Các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án này đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, bổ sung 800 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2025, hiện cũng được triển khai tích cực. Cầu Tứ Liên là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành sau hai năm xây dựng.
Cùng với dự án cầu Tứ Liên, một dự án trọng điểm thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia là đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô sau hơn một năm khởi công cũng đang dần hình thành. Tuyến đường này đi qua ba tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, kết nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long, chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 75 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha. Trên tuyến xây dựng ba cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và tám nút giao khác. Đến nay, dự án đã giải ngân được 17,3% kế hoạch vốn.
Một dự án bị chậm, kéo dài trên địa bàn là dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội thời gian qua cũng đã được đốc thúc đẩy nhanh tiến độ. Dự án này có mức đầu tư 16,3 nghìn tỷ đồng, bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000 m³/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ, đến nay đã giải ngân 37,6% kế hoạch vốn. Hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy để xử lý đã cơ bản hoàn thành. Trong sáu tháng đầu năm 2025, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm.
Quán triệt phương châm “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư đồng tâm, hiệp lực với các nhà thầu, các lực lượng tham gia làm việc trên tinh thần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Không chỉ quan tâm, ưu tiên cân đối các nguồn lực, thành phố Hà Nội còn xây dựng cơ chế ưu tiên “làn xanh”, rút ngắn thời gian xử lý cho các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu; dự án cầu Trần Hưng Đạo; dự án cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường chung quanh hồ Tây; cải tạo chỉnh trang, bổ cập nước sông Tô Lịch, đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc... Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương xử lý ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ.
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo đánh giá, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công của Hà Nội vẫn chưa được như kỳ vọng. Dự án đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) mới đạt 51,4%; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai mới giải ngân 21% kế hoạch vốn... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trương Việt Dũng cho biết, nguyên nhân của thực trạng này là do giải phóng mặt bằng chậm, trong đó 60% là do tranh chấp đất đai; nhiều loại vật liệu như xi-măng, thép… tăng giá.
Để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư từ ngân sách, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và tăng tốc thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp đã được phân bổ lượng vốn lớn. Mục tiêu bảo đảm đủ nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công và siết chặt quản lý thanh toán, quyết toán. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung hỗ trợ và giải quyết triệt để khó khăn về giải phóng mặt bằng, biến động giá vật liệu, nguồn cung cấp và tái định cư.
Đồng chí Trương Việt Dũng cho biết, thành phố đang tích cực chuẩn bị, phấn đấu khởi công cầu Ngọc Hồi vào dịp 19/8, khởi công cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vân Phúc vào dịp 2/9 và cầu Thượng Cát vào dịp 10/10, đồng thời, tăng cường giải ngân đường vành đai 4 đạt 50% kế hoạch vào quý IV/2025. Thời gian còn lại của năm 2025, thành phố sẽ đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân với quyết tâm đạt 100% vốn đầu tư công.