Để việc lưu thông trên hai tuyến đường này đi vào nền nếp, lực lượng chức năng cần tiếp tục tập trung đồng bộ từ tuyên truyền, hướng dẫn đến xử lý vi phạm giao thông. Đường Võ Chí Công là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay quốc tế Nội Bài. Việc thí điểm phân làn trên tuyến đường này được kỳ vọng giúp hạn chế tai nạn, lập lại trật tự giao thông và hướng đến hình ảnh một đô thị văn minh, hiện đại.
Trên tuyến, ba làn đường sát dải phân cách giữa được tổ chức dành riêng cho ô-tô; hai làn đường còn lại sát vỉa hè là làn xe hỗn hợp, cho phép xe máy, xe đạp và xe buýt lưu thông. Các làn đường dành riêng cho ô-tô được phân cách với làn hỗn hợp bằng dải phân cách. Tại các nút giao trên tuyến (giao với đường Xuân La và đường Nguyễn Hoàng Tôn), các phương tiện ô-tô đi trên làn sát dải phân cách giữa chỉ được phép đi thẳng và rẽ trái theo tín hiệu đèn giao thông, không được rẽ phải. Trong khi đó, các phương tiện lưu thông trong làn hỗn hợp sẽ tuân thủ tín hiệu đèn và biển báo; ô-tô (trừ xe buýt) chỉ được phép rẽ phải.
Ghi nhận trong buổi sáng đầu tiên (9/7) giao thông đường Võ Chí Công được tổ chức lại, cán bộ đơn vị quản lý đường cũng như lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt từ sáng sớm tiến hành phân luồng, hướng dẫn người dân tham gia giao thông theo phương án mới. Phần lớn người dân chấp hành theo biển báo cũng như hiệu lệnh của lực lượng chức năng, giao thông qua khu vực diễn ra ổn định, an toàn, không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết: “Trước khi tổ chức giao thông trên tuyến đường Võ Chí Công, đơn vị đã tiến hành họp liên ngành, đếm lưu lượng xe và phân tích loại phương tiện nhằm bố trí làn đường sao cho phù hợp. Qua công tác tổ chức giao thông, tình trạng lộn xộn, ùn tắc trên tuyến đường đã được cải thiện đáng kể”. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, tuyến đường này đã được tổ chức giao thông phân làn từ trước, tuy nhiên nhiều người dân không chấp hành, đơn vị đã tiến hành cứng hóa dải phân cách để buộc các phương tiện không lấn làn.
Trước đó, từ ngày 4/7, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc lắp đặt dải phân cách cứng giữa hai làn đường, đồng thời gắn bổ sung các biển cảnh báo phân làn, nhất là tại những điểm giao cắt quan trọng, nhằm định hướng lại luồng lưu thông giữa ô-tô và xe máy, xe thô sơ. Hai làn đường sát dải phân cách giữa được tổ chức riêng cho ô-tô; các làn phía ngoài dành cho xe máy và phương tiện hỗn hợp. Dải phân cách giúp ngăn ngừa tình trạng đột ngột chuyển làn, vượt ẩu và giảm đến mức thấp nhất va chạm giữa các phương tiện di chuyển với tốc độ khác nhau.
Ngoài ra, trước, trong và sau khi đưa phương án vào khai thác, đơn vị cũng phối hợp các cơ quan thông tin đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, chấp hành đúng quy định. Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng duy trì tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi dừng, đỗ trái phép tại làn đường hỗn hợp, nơi có nhiều phương tiện xe máy, xe buýt, xe taxi lưu thông. Trong ba ngày đầu, lực lượng cảnh sát giao thông đã nhắc nhở hàng trăm lượt phương tiện vi phạm làn đường trên tuyến Phạm Văn Đồng, đồng thời lập biên bản xử lý nhiều trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định, góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Anh Lê Việt Hùng trú tại phường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Những ngày đầu, người tham gia giao thông còn bỡ ngỡ, cho nên việc di chuyển gặp một số khó khăn. Sau khi nắm được phương án phân luồng qua phương tiện thông tin đại chúng và tuân thủ theo biển báo giao thông, việc đi lại đã thuận lợi hơn rất nhiều. Việc phân làn giúp tách được ô-tô đi thẳng, di chuyển tốc độ cao và tránh được xe máy di chuyển tạt ngang, tạt dọc, lấn làn ô-tô”. Anh Hùng cho rằng, sau khi tổ chức lại giao thông, lực lượng chức năng phải xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, đi sai. Ngoài ra, hệ thống camera phạt nguội được lắp đặt sẽ tăng cường hiệu quả, dần dần thay đổi thói quen lưu thông tùy tiện, gây hỗn loạn đường phố.
Theo đại diện Sở Xây dựng, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục có những đánh giá chi tiết về lưu lượng phương tiện, xu hướng tham gia giao thông…, qua đó có những điều chỉnh phù hợp nhất để người dân đi lại được thuận lợi, an toàn.