Nhiều cơ hội để xã Thanh Trì bứt phá

Xã Thanh Trì (Hà Nội) được hình thành từ một phần diện tích và dân số của thị trấn Văn Điển, các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Yên Mỹ, Duyên Hà, Vĩnh Quỳnh (thuộc huyện Thanh Trì trước đây) và phường Yên Sở (thuộc quận Hoàng Mai trước đây)...

Xã Thanh Trì (Hà Nội) có vị trí chiến lược cửa ngõ phía nam của Thủ đô với nhiều lợi thế về giao thông, thương mại, dịch vụ, tạo cơ hội để bứt phá.Ngay sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính, chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025, xã Thanh Trì đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, phục vụ nhân dân bảo đảm thông suốt, ổn định. Điểm tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của xã được thiết kế mở, gồm các khu vực chức năng: Khu vực tiếp nhận hồ sơ; khu vực trả kết quả; khu vực số hóa hồ sơ tài liệu; khu vực để người dân tự đăng ký, kê khai và các thiết bị hỗ trợ như máy lấy số thứ tự, màn hình tra cứu thông tin, màn hình tuyên truyền, bảng niêm yết các thủ tục hành chính...

Trước đó, để chuẩn bị cho việc vận hành mô hình bộ máy chính quyền hai cấp, xã đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt, trong đó ưu tiên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý hiện đại cho đội ngũ cán bộ; cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị để không làm gián đoạn việc phục vụ người dân.

Theo đại diện điểm phục vụ hành chính công xã Thanh Trì, sau hai ngày làm việc, điểm phục vụ hành chính công đã tiếp hơn 100 lượt công dân đến giải quyết thủ tục hành chính liên quan các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, đất đai, văn hóa-xã hội... Đơn vị đã giải quyết 86 hồ sơ thủ tục hành chính, số hồ sơ còn lại đang trong quá trình giải quyết theo quy định. Anh Nguyễn Văn Hưng, người dân đến làm thủ tục liên quan lĩnh vực xây dựng, cho biết: Khi đến điểm phục vụ hành chính công, anh được cán bộ hướng dẫn lựa chọn lĩnh vực, lấy số thứ tự.

Đặc biệt, cán bộ hướng dẫn cụ thể, rõ ràng từng thành phần hồ sơ xin phép xây dựng và cách thức nộp hồ sơ trực tuyến. Đại diện điểm phục vụ hành chính công xã Thanh Trì khẳng định, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tinh thần “tư duy mới, hành động mới, vì dân phục vụ” không chỉ là khẩu hiệu mà phải thể hiện bằng từng việc làm cụ thể.

Bộ máy tinh gọn hơn thì trách nhiệm của từng cá nhân phải cao hơn, phối hợp phải chặt chẽ, giải quyết công việc phải minh bạch, rõ ràng, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Người dân, doanh nghiệp đến trụ sở hành chính phải cảm nhận được sự chuyển biến về thái độ phục vụ, về thời gian xử lý hồ sơ, về sự gần gũi. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, xã Thanh Trì có tổng diện tích tự nhiên là 10,15 km², quy mô dân số hơn 55.350 người. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, xã Thanh Trì nằm trên trục kết nối các tuyến giao thông lớn như: Đường vành đai 3, đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, tuyến đường sắt bắc-nam và gần bến xe Nước Ngầm, là đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, hành khách giữa Hà Nội và các tỉnh.

Xã Thanh Trì cũng nằm sát nội thành, tiếp giáp khu vực Hoàng Mai giúp mở rộng không gian đô thị theo hướng nam; đồng thời là vùng đệm chuyển tiếp giữa khu đô thị trung tâm với các khu vực ngoại thành; là đầu mối giao thương, trung tâm hành chính và động lực phát triển phía nam Hà Nội. Đây sẽ là những lợi thế để xã phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Trì, việc thành lập xã Thanh Trì mới không chỉ mang ý nghĩa về mặt tổ chức hành chính mà còn là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội để tổ chức lại không gian phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân. Thời gian tới, đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng xã Thanh Trì phát triển đồng bộ, văn minh và hiện đại

Xem thêm