Kiểm soát viên đê điều kiểm tra, xử lý vi phạm tại bãi sông Hồng. (Ảnh VIỆT TUẤN)
Kiểm soát viên đê điều kiểm tra, xử lý vi phạm tại bãi sông Hồng. (Ảnh VIỆT TUẤN)

Hoàn thiện cơ chế quản lý, khai thác quỹ đất bãi sông, bãi nổi

Cơ chế, chính sách để vừa sử dụng hiệu quả quỹ đất khu vực bãi sông, bãi nổi trên địa bàn và bảo đảm an toàn thoát lũ đang được thành phố Hà Nội hoàn thiện thông qua lấy ý kiến phản biện xã hội.

Để tháo gỡ những nút thắt, đưa vào sử dụng hiệu quả quỹ đất này cần có sự thay đổi tư duy quản lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân khai thác.

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố đã được đưa ra lấy ý kiến phản biện lần hai. Đây là nội dung quy định chi tiết thi hành Điểm a, Khoản 3, Điều 32 Luật Thủ đô năm 2024.

Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ-Pháp luật Lê Văn Hoạt, việc xây dựng nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp tại khu vực bãi sông, bãi nổi sau nhiều năm gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, quy định không được xây dựng tường bao, tường rào sẽ gây khó cho chủ đầu tư trong sản xuất, hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, nên đơn giản hóa thủ tục, không nên mang quy trình, thủ tục đối với công trình xây dựng thông thường để áp dụng đối với các công trình có tính chất sử dụng khác biệt xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có khảo sát để đưa ra bức tranh thực trạng sử dụng đất nông nghiệp khu vực bãi sông, bãi nổi. Do nghị quyết đã được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian khá dài, đến thời điểm lấy ý kiến phản biện lần hai cũng là lúc mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, do đó, dự thảo cần quy định rõ về phân cấp, trách nhiệm quản lý theo mô hình mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Quyến, đối với công trình xây dựng, lắp dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê cho phép tồn tại có thời hạn, sử dụng các loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, dễ dàng tháo dỡ, di chuyển. Tuyệt đối không sử dụng công trình xây dựng trên đất nông nghiệp vào mục đích để ở, không tôn cao bãi sông. Về nội dung này, có ý kiến cho rằng, dự thảo hướng tới quy định chi tiết về công trình xây dựng, nhưng lại không đầy đủ. Nên chăng, các quy định chi tiết để các cơ quan chuyên ngành xây dựng quy định còn nghị quyết thì đưa ra nguyên tắc cơ bản.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ-Pháp luật nhắc đến cơn bão Yagi như một lời cảnh báo và cho rằng, cần bổ sung nguyên tắc sử dụng nhằm khai thác hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm việc thoát lũ, tuyệt đối an toàn phòng chống lũ cho Hà Nội và vùng hạ lưu.

Theo kiến trúc sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc khai thác sử dụng quỹ đất trên bãi nổi, bãi sông cần có nhận thức đúng tầm. Những năm gần đây, Hà Nội đã có những đột phá mới để khơi dậy giá trị của các dòng sông với tiềm năng rất lớn, chiếm tới 13% tổng diện tích đất nông nghiệp của thành phố, quỹ đất này đóng góp không nhỏ vào việc tạo lập bản sắc của khu vực nội đô lịch sử. Tuy nhiên, ông Nghiêm lưu ý, đây là vấn đề rất phức tạp, đặc biệt là khu vực bãi, ngoài đê sông Hồng, nhiều quy hoạch liên quan đến khu vực này đã được nghiệm thu rồi để đấy không triển khai được. “Giai đoạn 2005-2007, Hà Nội đã kết hợp với Seoul để lập quy hoạch hai bên sông Hồng, tổ chức triển lãm rầm rộ rồi lại xếp vào trong tủ. Thành phố cũng đã từng thực hiện thí điểm ở Tây Hồ để trồng đào rồi kế hoạch này cũng “lịm” - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Đánh giá cao những cố gắng của Sở Nông nghiệp và Môi trường trong việc xây dựng dự thảo nghị quyết, tính trách nhiệm đối với công tác phản biện xã hội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực về đất đai, Hà Nội phải thật sự xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị, cơ quan soạn thảo cần bổ sung rõ một số khái niệm để bảo đảm hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thu hút đầu tư, bổ sung nguyên tắc truyền thống lịch sử của Hà Nội nói chung cũng như của từng địa phương. Không chỉ việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tới đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng sẽ được sửa đổi. Cơ quan soạn thảo cần lưu ý những vấn đề này trong quá trình hoàn thiện dự thảo để chính sách được thực thi, đi vào cuộc sống ngay sau khi ban hành.

Xem thêm