Trong cơ cấu thu ngân sách sáu tháng đầu năm 2025 của Hà Nội, thu nội địa là 373,9 nghìn tỷ đồng, đạt 77,5% và tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2024; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 16,4 nghìn tỷ đồng, đạt 60% và tăng 36,2%. Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa có mức tăng cao như: Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 18,7 nghìn tỷ đồng, đạt 61,6% và tăng 13,7%; thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 77,3 nghìn tỷ đồng, đạt 73% và tăng 44,2%; thu tiền sử dụng đất 72,5 nghìn tỷ đồng, bằng 151,2% và gấp 6,9 lần cùng kỳ năm 2024.
Mức tăng thu ngân sách cũng thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội. Sáu tháng đầu năm 2025, GRDP của thành phố ước tính tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,56%; quý II tăng 7,69%). Theo đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường trong nước chững lại, thì tăng trưởng GRDP sáu tháng đầu năm nay của thành phố Hà Nội cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (là 6,13%) và cao hơn kịch bản xây dựng (là 7,59%) có ý nghĩa rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Đóng góp vào kết quả này có nỗ lực của ngành thuế Hà Nội trong việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI trong quản lý và truyền thông hỗ trợ người nộp thuế… Đáng lưu ý, năm nay, ngành thuế đã ra quân cao điểm quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh với nhiều giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện chính sách và thủ tục hành chính.
Ngành thuế đã tham mưu cho chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước. Qua ghi hình và điều tra thực địa, đã cập nhật cơ sở dữ liệu riêng quản lý hộ, cá nhân kinh doanh đạt 95%.
Tính đến tháng 6 năm 2025, ngành thuế Hà Nội đang quản lý 325.211 hộ kinh doanh. Ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo như sử dụng dữ liệu lớn trong quản lý hộ kinh doanh, đẩy mạnh kiểm soát rủi ro hóa đơn điện tử và xây dựng hệ sinh thái số phục vụ, hỗ trợ người nộp thuế hiệu quả. Trên cơ sở này, thành phố đã triển khai thành công Nghị định số 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 9.000 hộ kinh doanh đã đăng ký sử dụng, đạt hơn 180% chỉ tiêu được giao. Chị Lê Thị Ngọc Hà, chủ cửa hàng tạp hóa tại ngõ 537 Bát Khối, phường Long Biên cho biết: “Ban đầu khi thực hiện những quy định mới về thuế cho hộ kinh doanh, tôi khá lúng túng. Nhờ cán bộ thuế hướng dẫn, tôi đã áp dụng triển khai đúng quy định”.
Không chỉ bảo đảm duy trì đầy đủ, thông suốt các hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan thuế thành phố còn tích cực triển khai sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, vừa tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả, vừa không làm gián đoạn các dịch vụ công, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Từ ngày 1/7, các cơ sở, đơn vị thuộc Thuế thành phố Hà Nội hoạt động thông suốt, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp theo mô hình mới, kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính.
Sáu tháng cuối năm 2025 là giai đoạn tăng tốc để hoàn thành mục tiêu cả năm. Trước thách thức về khối lượng công việc ngày càng lớn, đồng chí Vũ Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Thuế kiêm Chi cục trưởng Thuế khu vực 1 (phụ trách địa bàn Hà Nội) cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo, ổn định tổ chức bộ máy và vận hành hiệu quả theo mô hình chính quyền hai cấp, bảo đảm mọi hoạt động quản lý thuế diễn ra thông suốt. Ngành thuế sẽ chủ động bám sát chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, bao quát đầy đủ các nguồn thu, nhất là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, mở rộng cơ sở tính thuế.