Cùng với việc cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; kế hoạch đầu tư công năm 2025, năm 2024 kéo dài khi thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2025; danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chuyển hơn 27.700 dự án về cấp xã mới quản lý
Để thực hiện các điều chỉnh phân cấp kế hoạch đầu tư cũng như các dự án trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tiến hành rà soát theo địa bàn mới để xây dựng, bổ sung danh mục các dự án. Theo đó, thành phố chuyển hơn 27.700 dự án về cấp xã mới quản lý.
Theo Tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố, trên cơ sở rà soát, Hà Nội hiện có 27.845 dự án, nhiệm vụ đầu tư công cấp huyện đang thực hiện; trong đó có 24.584 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn đã bố trí là 273.989 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị điều chuyển chủ đầu tư đối với toàn bộ số dự án này theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho cấp cơ sở.
Các dự án cấp xã sẽ giao về Ủy ban nhân dân xã, phường mới làm chủ đầu tư. Đối với các dự án cấp huyện, sau khi không còn cấp hành chính trung gian, cũng được bàn giao cho cấp xã, phường trực tiếp quản lý.
Theo đề nghị của thành phố, 27.764 dự án, nhiệm vụ sẽ chuyển về cấp xã, phường mới quản lý; chỉ có 12 dự án, nhiệm vụ chuyển về cấp thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện.
Về các dự án mới chưa bố trí vốn, thành phố yêu cầu các xã, phường mới rà soát, đề xuất phương án triển khai trong quý III năm 2025, bảo đảm không gián đoạn đầu tư công trong giai đoạn chuyển tiếp. Các dự án bàn giao về cấp xã, phường hoặc Ban quản lý dự án khu vực sẽ thực hiện ngay cùng với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách (Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) đã đưa ra lưu ý, việc phân cấp cần đi kèm với cơ chế bổ sung có mục tiêu rõ ràng, minh bạch từ năm ngân sách năm 2026 nhằm bảo đảm cấp xã có đủ nguồn lực và tính tự chủ trong điều hành đầu tư công.
Điều chỉnh bổ sung hơn 1.100ha đất
Cùng với điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, Hội đồng nhân dân thành phố cũng thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trong năm 2025.
Theo đó, 7 dự án được điều chỉnh tăng diện tích đất thu hồi với tổng cộng 20,04ha; 5 dự án bổ sung diện tích đất trồng lúa với tổng cộng 3,94ha; bổ sung mới 76 dự án thu hồi đất với diện tích 1.100,69ha và 8 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích 59,22ha.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại, việc điều chỉnh nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ các dự án trọng điểm trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tái cấu trúc hệ thống quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga, quá trình thẩm tra đối với các nội dung Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản và đã được Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu, giải trình.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế Ngân sách đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố nghiên cứu rà soát các dự án theo đơn vị hành chính xã, phường mới theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về nội dung này, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã có giải trình. Theo đó, đến nay, việc xác định chính xác diện tích tự nhiên, phạm vi ranh giới của 126 xã trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 đang được các cơ quan triển khai.
Do vậy, việc xác định chính xác tên đơn vị hành chính xã, phường mới của từng dự án là không khả thi và sẽ gây khó khăn hơn trong việc triển khai thực hiện. Nguyên nhân do thông tin về địa điểm thực hiện dự án khi lập Danh mục dự án được xác định trên cơ sở chủ trương đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nay chưa được cập nhật điều chỉnh theo địa giới hành chính cấp xã mới).
Ban Kinh tế Ngân sách cũng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố làm rõ tính khả thi của các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại các quận, huyện cũ. Các dự án này hiện mới có chủ trương đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, chưa được bố trí vốn thực hiện, trong khi hoạt động của cấp huyện kết thúc từ ngày 1/7/2025.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách về việc những dự án đầu tư công chưa được trình bố trí kế hoạch vốn ngân sách năm 2025 là chưa bảo đảm đáp ứng tiêu chí, Ủy ban nhân dân thành phố đã đưa 3 dự án ra khỏi Danh mục trình Hội đồng nhân dân thành phố.
Đây là các dự án đã được xác định danh mục theo đơn vị hành chính cấp huyện cũ, nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn ngân sách, bao gồm: Dự án Cải tạo, nâng cấp hào Phủ giai đoạn 1, huyện Quốc Oai; Dự án Xây dựng hạ tầng cảnh quan khu trung tâm xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Rộc Đình, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ.