Rô-bốt trợ lý ảo được triển khai tại Trung tâm dịch vụ hành chính công thành phố Hà Nội để hỗ trợ người dân đến làm thủ tục. (Ảnh VIẾT THÀNH)
Rô-bốt trợ lý ảo được triển khai tại Trung tâm dịch vụ hành chính công thành phố Hà Nội để hỗ trợ người dân đến làm thủ tục. (Ảnh VIẾT THÀNH)

Đi trước một bước trong đổi mới tư duy quản lý

Thời gian qua, Hà Nội xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là cơ hội để Thủ đô đi trước một bước trong đổi mới tư duy quản lý.

Điều này thể hiện rõ khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào vận hành và bước đầu đạt hiệu quả trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ giữa tháng 5/2025, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã tích hợp thành công bốn thủ tục hành chính của Đảng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bao gồm: Thu, nộp đảng phí; lấy ý kiến nhận xét của chi ủy, chi bộ đối với đảng viên của mình thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú; chuyển sinh hoạt Đảng chính thức; chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời.

Theo Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội Trần Thanh Hà, việc Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao, mà còn có ý nghĩa truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước cùng vào cuộc theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ngay khi Trung ương ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW, Hà Nội không chờ hướng dẫn, chủ động ban hành kế hoạch hành động cụ thể, vừa làm vừa điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu. Thành phố đã xác định rõ những yêu cầu cấp bách, nhất là về liên thông dữ liệu, chính quyền số và vận hành mô hình chính quyền hai cấp.

Thành phố được giao 58 nhiệm vụ tại Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và các thông báo, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo. Đến nay, đã hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm; 39 nhiệm vụ còn lại hiện vẫn trong thời hạn thực hiện và cơ bản bám sát tiến độ đề ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã chủ động tái cấu trúc toàn diện hệ thống thông tin, dữ liệu và quy trình vận hành bộ máy, từng bước hình thành “dòng chảy dữ liệu” thống nhất, liên thông thực chất giữa các cấp, ngành trong toàn hệ thống chính trị. Từ đó, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được đồng bộ, kết nối toàn diện với các nền tảng lớn, như: Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu dân cư cùng các hệ thống chuyên ngành. Đến nay, thành phố đã hoàn thành cấu hình 1.917 thủ tục hành chính, trong đó có 572 thủ tục cấp xã; khai báo hơn 4.400 tài khoản xã, phường; đồng bộ đầy đủ trạng thái tiếp nhận, trả kết quả, thanh toán điện tử trên toàn hệ thống.

Mô hình quản lý tập trung-tích hợp đa tầng được triển khai với Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố làm đầu mối kết nối dữ liệu, quy trình từ thành phố tới toàn bộ 126 xã, phường. Hơn 84.000 quy trình tạm thời cho cấp xã đã được cấu hình, bảo đảm thông suốt sau sắp xếp đơn vị hành chính. Đến nay, tất cả các xã, phường đã xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tạo nền tảng quan trọng để tiến tới triển khai đồng bộ “hệ thống văn bản điều hành số Đảng-Chính quyền-Mặt trận” theo chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đồng thời, thành phố tập trung hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đồng bộ, tích hợp với ứng dụng iHanoi, bảo đảm dịch vụ công trực tuyến vận hành thông suốt, không gián đoạn sau sắp xếp đơn vị hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) hoạt động ổn định, kết nối thành công với 28 danh mục dữ liệu quốc gia, 8 hệ thống chuyên ngành của thành phố với lưu lượng trung bình từ 60.000 đến 70.000 lượt kết nối/ngày... Hệ thống hỗ trợ kỹ thuật được duy trì 24/7. Từ ngày 20 đến 30/6/2025, khi các xã, phường vận hành thử chính quyền địa phương hai cấp, tổng đài 1022 đã tiếp nhận hơn 6.000 cuộc gọi hỗ trợ, tỷ lệ xử lý thành công đạt 98,7%, góp phần duy trì hệ thống vận hành ổn định, nâng cao hiệu quả công vụ. “Ngay từ đầu đã xác định liên thông dữ liệu là nhiệm vụ then chốt, là “chìa khóa” để bộ máy sau sắp xếp vận hành thông suốt, hiệu quả. Đây không chỉ là bài toán kỹ thuật mà là yêu cầu thay đổi tư duy quản trị, tổ chức lại toàn bộ hệ thống”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nói.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW hiệu quả, thành phố Hà Nội đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên thông dữ liệu, nhất là các cơ chế về phân quyền, khai thác dữ liệu giữa các cấp chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị. “Hà Nội xin tiếp tục tiên phong, đi trước nhận thí điểm các mô hình mới về quản lý dữ liệu, chính quyền số, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc. Các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu đến xã, phường thực chất, hiệu quả”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị

Xem thêm