Sáng 4/7, người dân rất bất ngờ khi nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh lạ mắt. Mùi hôi thối cũng biến mất. Đây là điều không hiếm gặp sau mỗi đợt mưa lớn, khi mực nước Hồ Tây dâng cao phải tiến hành xả qua sông Tô Lịch để bảo đảm giữ mực nước hồ Tây theo quy định. Tuy nhiên lần này, sau đợt xả nước Hồ Tây, khi nước sông Tô Lịch trở về mức bình thường, người dân dễ dàng nhận ra nhiều thay đổi tích cực.
Một điểm nhấn đặc biệt trong quá trình hồi sinh sông Tô Lịch là việc xây dựng đập dâng để kiểm soát dòng chảy, duy trì mực nước ổn định, phục vụ bổ cập nước và hỗ trợ điều hòa sinh thái. Đập dâng Thanh Liệt đến nay đã hoàn thành khoảng 95% hạng mục, gồm phần thân chính, van điều tiết, trạm bơm, cầu đi bộ và đài quan sát hình bát giác. Ngay sau khi đập Thanh Liệt hoàn thiện, Hà Nội sẽ tiếp tục khởi công thêm hai đập dâng khác tại cầu Dậu và cầu Cót trong quý III năm nay.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến đầu tháng 7/2025, giai đoạn một của công tác cải tạo đã hoàn thành nạo vét bùn thải, rác thải từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình, chiều dài khoảng 7 km, với khối lượng bùn gần 50.000 m³. Giai đoạn hai của dự án nạo vét bùn thải, rác thải từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang, dài khoảng 5 km, với khối lượng gần 12.000 m³ cũng đang được triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 8 tới.
Cùng với đó, việc thi công đấu nối 63 cửa xả nước thải bổ sung, điều hướng nước xả thải trực tiếp xuống sông về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá cũng được triển khai đồng bộ. Đến nay, 19 cửa xả đã hoàn thành, các cửa xả còn lại đang gấp rút thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 7 này.
Công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ dọc hai bên bờ sông cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Chính quyền các phường dọc hai bên bờ sông cũng tiến hành lát đá, chỉnh trang vỉa hè. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phi Thường cho biết, phương án bổ cập nước sông Tô Lịch trước mắt sử dụng nguồn nước từ Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Về lâu dài, sở phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án bổ cập nước từ sông Hồng.
Mới đây, các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn đã chủ trì, nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường hai bên bờ sông Tô Lịch và việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch.
Liên quan đến việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, việc lấy nước từ Hồ Tây trong giai đoạn trước mắt cần bảo đảm đủ công suất và nghiên cứu phân tích kỹ mẫu nước để không làm biến đổi thủy văn môi trường nước. Cùng với đó, phối hợp với đập dâng khu vực hạ nguồn Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tạo ra được nguồn nước bổ trợ cho sông Tô Lịch.
Việc lấy nước từ sông Hồng bổ cập cho Hồ Tây và sông Tô Lịch cần phải được kiểm soát, đánh giá chặt chẽ về tổng mức đầu tư, chi phí thành phần, khai thác vận hành, chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng… Đặc biệt, khi bổ cập nước vào Hồ Tây phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện môi trường thủy văn, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ.