Chị Phương Anh, một phụ huynh có con đang học tiểu học tại phường Hai Bà Trưng cho biết, những ngày đầu con vào tiểu học, có nhiều điều phải lo, trong đó có bữa ăn bán trú. Mỗi khi đọc được thông tin có ngộ độc thực phẩm hay bữa ăn bán trú của học sinh bị bớt xén chị lại giật mình thon thót. Điều chị Phương Anh cũng như nhiều phụ huynh mong muốn đó là có tiêu chí, có sự kiểm tra giám sát một cách hệ thống đối với bếp ăn của các trường.
Theo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, trên cơ sở đánh giá tổng quan của ba cấp học trên địa bàn thành phố (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), cấp tiểu học có số lượng học sinh đông nhất và là cấp học bắt buộc học 2 buổi/ngày. Hiện có 90,4% số trường tiểu học trên địa bàn tổ chức ăn bán trú.
Tin vui cho đại bộ phận gia đình có con em đang học tiểu học trên địa bàn thành phố, xuất phát từ điều kiện thực tiễn, khả năng bố trí nguồn lực, lộ trình triển khai, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã trình Hội đồng nhân dân thành phố chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho cấp tiểu học. Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn năm học 2025- 2026 đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 25.
Đây là chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ thiết thực cho phụ huynh học sinh, góp phần bảo đảm thể chất, nâng cao chất lượng học tập, đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho thế hệ tương lai.
Mức hỗ trợ được phân chia theo vùng. Đối tượng áp dụng là học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố Hà Nội, tự nguyện tham gia sử dụng dịch vụ bán trú tại cơ sở giáo dục.
Mức hỗ trợ với học sinh tiểu học thuộc nhóm 1, đang theo học tại 23 cơ sở giáo dục thuộc các xã miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính là 30.000 đồng/học sinh/ngày cho bữa ăn chính.
Nhóm 2, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục còn lại, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày cho bữa ăn chính.
Trường hợp phụ huynh học sinh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn so với mức nhà nước hỗ trợ thì phần chênh lệch sẽ thu của người học, bảo đảm mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/học sinh/ngày.
Với thời gian thực hiện chính sách tính theo số ngày ăn thực tế (không quá 9 tháng/năm học), dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% số học sinh tiểu học năm học 2025-2026 khoảng 3.063 tỷ đồng.
Số học sinh được hỗ trợ khoảng 768 nghìn em, trong đó, các trường công lập trên địa bàn khoảng 708 nghìn em, tư thục khoảng 60 nghìn em. Kinh phí hỗ trợ được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp. Cùng với chính sách hỗ trợ về kinh phí, thành phố sẽ thực hiện thí điểm cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh bán trú.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 25 Hội đồng nhân dân thành phố, ngày 9/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũ Thu Hà cho biết, thành phố đang triển khai thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn Hà Nội theo hướng tổ chức tập trung suất ăn sẵn nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình và giảm các khâu trung gian.
Trên thực tế, các bếp ăn của nhà trường, ngoại trừ những trường có nguồn thu bảo đảm để thuê nhà cung cấp chuyên nghiệp, đội ngũ nhân sự của bếp ăn thường là nhân viên hợp đồng tạm thời, phần lớn không được đào tạo các kỹ năng về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức về dinh dưỡng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn mà còn gây áp lực cho nhà trường trong việc quản lý chất lượng bữa ăn.
Mục tiêu khi tổ chức thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn, thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào khi cung cấp chuỗi thức ăn, quy trình chế biến cũng như xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi.