Đổi mới công nghệ thu gom rác thải

Với nỗ lực cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc đổi mới công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.

Cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn bốn quận nội đô.

Triển khai kế hoạch nêu trên, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã tổ chức thu gom rác trực tiếp bằng xe cơ giới có gắn loa truyền thanh, giúp tối ưu hóa công tác thu gom và giảm bớt sức lao động cho công nhân. Mỗi khi đến giờ thu gom, hệ thống loa trên xe sẽ phát thông tin thông báo về thời gian, địa điểm và cách thức thu gom rác trực tiếp, giúp người dân chủ động mang rác ra đúng nơi quy định, hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, giảm tình trạng vứt rác bừa bãi.

Theo đánh giá của Urenco, công tác thu gom rác trực tiếp bằng phương tiện cơ giới được sự ủng hộ và đồng tình của người dân, góp phần nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Nhiều điểm tập kết rác trên vỉa hè, đường phố được xóa bỏ. Thời gian thu gom được rút ngắn cho nên hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rác tồn đọng, phát tán mùi hôi ra môi trường và khắc phục tình trạng xe thu gom rác tập kết dưới lòng đường gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, nước rác rò rỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, thành phố đã đưa vào vận hành 100 thiết bị, xe vệ sinh môi trường hiện đại, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, gồm xe quét rửa đường bằng điện, xe xịt rửa đường cao áp, xe chuyên dụng thu gom rác thông minh, hệ thống giám sát và nhà phân loại rác tại nguồn. Một trong những thiết bị mới được sử dụng là xe phun sương dập bụi ở độ cao 45 m. Xe sử dụng bơm cao áp với góc nghiêng 45 độ, phun lên bầu trời, có thể dập bụi và giảm bụi nhỏ PM2.5 trong không khí.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết giảm phát thải nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, những năm qua, thành phố rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường. Đến nay, thành phố đã đưa vào hoạt động hai nhà máy điện rác lớn là Thiên Ý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Sê-ra-phin tại Khu liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn, với tổng công suất vận hành hơn 6.200 tấn/ngày, phát điện 120 MW, cơ bản đã xử lý được khối lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày.

Trên địa bàn thành phố có sáu nhà máy xử lý nước thải, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý hiện đạt khoảng 30,9%; khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành toàn bộ trong năm 2025 sẽ nâng công suất xử lý lên 50%. Cùng với đó, thành phố tăng cường trồng cây xanh, mở rộng mạng lưới quan trắc, ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát và xử lý ô nhiễm không khí; xác định vùng phát thải thấp; chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện; chấm dứt sử dụng bếp than tổ ong; xử lý nghiêm tình trạng đốt rơm rạ…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thành phố luôn ưu tiên ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại trong công tác vệ sinh môi trường giúp nâng cao hiệu suất lao động và giảm ô nhiễm môi trường. Việc vận hành các thiết bị vệ sinh môi trường hiện đại không chỉ đánh dấu sự thay đổi về thiết bị, công nghệ, mà còn khẳng định sự thay đổi toàn diện trong tư duy, phương pháp quản lý, tổ chức thực hiện vệ sinh môi trường của thành phố, là hành động thiết thực của Hà Nội để từng bước thực hiện đúng lời hứa với nhân dân, xây dựng Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và đáng sống.

Xem thêm