Tại kỳ họp thứ 25 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2025, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trương Việt Dũng đã báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (6,13%) và vượt kịch bản đề ra (7,59%). Tăng trưởng kinh tế quý I tăng 7,56%, quý II tăng 7,69%, dự báo quý III đạt 8,18% và quý IV sẽ đạt 8,53%.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân thành phố Trương Việt Dũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội bảo đảm hoàn thành mục tiêu 8% của cả năm.
Cấu thành nên mức tăng trưởng của thành phố, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 392,2 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so cùng kỳ năm 2024. Số thu ngân sách của thành phố chiếm khoảng 29,4% tổng thu của cả nước (1.332,3 nghìn tỷ).
Tổng chi ngân sách địa phương là 67 nghìn tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán, tăng 50,6%. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 29,7 nghìn tỷ đồng, đạt 34,1% dự toán, tăng 52,5% so cùng kỳ 2024; chi thường xuyên là 37,2 nghìn tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán, tăng 49,2% .
Để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, trong bối cảnh quốc tế biến động phức tạp, chính quyền thành phố đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, chủ động sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành.
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, với phương châm “tầm nhìn mới-tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó tập trung vào các giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên, thúc đẩy kinh tế tư nhân, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố đã tập trung chỉ đạo các lĩnh vực, nội dung quan trọng nhằm tạo ra động lực cho tăng trưởng.
Thành phố đã khẩn trương triển khai thi hành Luật Thủ đô sửa đổi nhằm tạo lập các cơ chế vượt trội. 24 văn bản đã được ban hành theo thẩm quyền để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Thành phố kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quan trọng. Đặc biệt là Chương trình số 03 ngày 13/2/2025 triển khai thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại các buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội, các Kế hoạch số 43 ngày 14/2/2025 và số 139 ngày 16/5/2025 về việc triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Cùng với đó, bộ máy chính quyền thành phố đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính với cách làm chủ động, khẩn trương, sáng tạo.
Thành phố tập trung nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Thành phố thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng thành phố thông minh; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo..
Đặc biệt, thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, vận hành chính quyền 2 cấp nhanh chóng, hiệu quả, thành phố đã chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Kết luận số 121-KL/TW và 126-KL/TW của Bộ Chính trị, giảm 29% số sở (từ 21 xuống 15 sở), 33% số chi cục, 25% số phòng thuộc sở và 17% số phòng thuộc quận, huyện, thị xã, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả từ ngày 1/3/2025.
Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 526 xuống 126 đơn vị, đạt tỷ lệ đồng thuận 97,36% của cử tri, chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.
Tính đến ngày 8/7/2025, sau 8 ngày triển khai, 126 xã, phường mới đã hoạt động ổn định, không ghi nhận gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính, với 100% xã, phường xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số và hơn 84.000 quy trình tạm thời được cấu hình, bảo đảm hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, quyết tâm đạt GRDP 8% trở lên, thành phố sẽ tập trung vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua việc tổ chức các hội chợ lớn trong quý III và quý IV, kết hợp quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản làng nghề. Mục tiêu là tăng doanh thu bán lẻ thêm 10-12% trong quý IV/2025.
Thành phố triển khai hệ thống phần mềm tiện ích thông minh tích hợp hóa đơn điện tử, hỗ trợ 311.000 hộ kinh doanh tuân thủ quy định thuế từ ngày 1/6/2025.
Thành phố tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo với các gói tín dụng ưu đãi lãi suất 3,9-4%. Trong đó, tập trung vào các ngành thế mạnh như máy móc, thiết bị, sản phẩm khoáng phi kim loại, xe có động cơ, phấn đấu tăng chỉ số IIP lên 7% vào cuối năm.
Nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm được thành phố xác định là đẩy nhanh tiến độ giải ngân với quyết tâm đạt 100% vốn đầu tư công, tăng cường kiểm soát thanh toán, quyết toán, giải quyết triệt để khó khăn về giải phóng mặt bằng, biến động giá vật liệu.
Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ 282 dự án đầu tư công (gồm 233 dự án chuyển tiếp, 49 dự án mới). Trong đó có 85 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư 22,9 nghìn tỷ đồng; 4 dự án bảo vệ môi trường, tổng vốn đầu tư 1,8 nghìn tỷ đồng; 32 dự án nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 1,7 nghìn tỷ đồng.