Bài 2: Tìm kiếm động lực phát triển mới
Năm nay, thành phố Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành và hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hơn 8%; dịch vụ tăng 8,6%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,66%; nông nghiệp tăng 3,1%; thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 622,7 nghìn tỷ đồng; khách du lịch quốc tế đạt 7,5 triệu lượt... Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 xác định sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch Thủ đô sẽ ưu tiên đầu tư, làm mới các sản phẩm thế mạnh như du lịch văn hóa, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, triển lãm…), du lịch nông nghiệp nông thôn, cộng đồng. Ngành sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo… Đại diện Sở Công thương Hà Nội đề xuất, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh, trở thành động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành công thương; huy động hiệu quả các nguồn lực để tái cơ cấu ngành; thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững.
Từ góc độ các chuyên gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho rằng, bên cạnh việc làm mới những yếu tố tăng trưởng truyền thống, Hà Nội cần tiếp tục tìm động lực tăng trưởng mới, nhất là các mô hình kinh tế mới. Thành phố nên xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia vào quá trình phát triển các mô hình kinh tế mới như hỗ trợ về tài chính, thuế, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học sẽ giúp thúc đẩy sự chuyển đổi này. Thành phố nên vận dụng tối đa Luật Thủ đô 2024 trong việc phát triển mô hình kinh doanh mới theo cơ chế thử nghiệm. Một giải pháp khác là thành phố phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; lựa chọn doanh nghiệp FDI chuyển giao các mô hình, công nghệ có tính dẫn dắt, xu thế của thời đại…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định tăng trưởng dựa trên chất lượng, hiệu quả và tính bền vững, thay vì chỉ dựa vào quy mô. Chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thông các động lực tăng trưởng mới, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; phát triển kinh tế số, đô thị thông minh; tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực hiện nay.
Từ quan điểm nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; phấn đấu hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) để phục vụ quản lý và phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D). Thành phố đầu tư mạnh vào giáo dục, khoa học-công nghệ, kết nối các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội vươn ra thế giới.
Với lợi thế từ chính sách đặc thù và các quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiên phong trong các xu hướng kinh tế hiện đại như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, trí tuệ nhân tạo… Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh: “Chúng ta phải “mơ xa, nghĩ lớn”, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển, tăng tốc, bứt phá, với “tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn”, với “tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”.