Trong khuôn khổ Hội nghị “Tăng cường hợp tác, thúc đẩy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ - Huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ bền vững trong thời đại mới” vừa qua tại Hà Nội, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã có chung nhận định rằng, để phát huy hiệu quả thực sự của khoa học và công nghệ trong phát triển, cần nắm bắt rõ cơ hội cũng như thách thức, các chính sách và mô hình hiệu quả.
Trên cơ sở đó, phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ bền vững bao gồm liên kết giữa nhà nước-viện/trường-doanh nghiệp-tổ chức xã hội, đổi mới mô hình tài chính, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tăng cường nội lực của các tổ chức phi công lập.
Nắm bắt cơ hội, thách thức, các chính sách và mô hình hiệu quả của các tổ chức khoa học công nghệ
Theo Tiến sĩ Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á-Việt Nam (SEARAV), tăng cường hợp tác giữa các tổ chức khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng. Trong một kỷ nguyên của những biến đổi sâu sắc như hiện nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực cốt lõi cho sự phát triển của mỗi quốc gia.
"Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối mang tính chiến lược, tiêu biểu như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030" - Tiến sĩ Phạm Thanh Tịnh nói.

Để hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao đó, việc phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ đặc biệt là các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập là một yêu cầu tất yếu và cấp thiết. Đó cũng chính là lực lượng tiên phong, là hạt nhân để kết nối, lan tỏa tri thức và kiến tạo những giá trị mới.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Phi chính phủ, Bộ Nội vụ khuyến nghị tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập cần “bảo đảm tính minh bạch, xây dựng năng lực nội tại, sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh, tăng tính thực chất và uy tín để tạo niềm tin xã hội và cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, tài trợ và cộng đồng”.
Chia sẻ góc nhìn về tái cấu trúc cơ chế tài chính cho các tổ chức khoa học và công nghệ nhằm tăng khả năng thương mại hóa và tính bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Cục Tài chính và Quản lý đầu tư, Văn phòng Trung ương Đảng chỉ ra, muốn các tổ chức khoa học và công nghệ phát triển bền vững thì không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước hay viện trợ nước ngoài. Chúng ta phải chủ động thiết lập cơ chế huy động vốn xã hội, quỹ khoa học và công nghệ cũng như gọi vốn cộng đồng.

Bà Hiền đề xuất, thành quả nghiên cứu không nên dừng ở công bố mà cần được thương mại hóa thực sự, với cơ chế chia sẻ lợi nhuận minh bạch. Điều này vừa tạo động lực cho nhà khoa học, vừa tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Việc khuyến khích hình thành các tổ chức định giá, vườn ươm và mạng lưới khởi nghiệp (start-up) khoa học và công nghệ gắn với đại học sẽ tạo đòn bẩy để các tổ chức “tự đứng bằng đôi chân của mình” nhất là trong bối cảnh ngân sách đang ngày càng hạn chế.
Hơn nữa, các tổ chức cũng cần thay đổi tư duy từ xin-cho sang hợp tác đầu tư, trong đó khu vực tư nhân là đối tác chiến lược. Mô hình hợp tác công-tư, nhà nước-viện/trường-doanh nghiệp cần được thể chế hóa và hỗ trợ lâu dài.
Ngoài ra, các tổ chức khoa học và công nghệ cần quan tâm tới các xu hướng mới trong đổi mới sáng tạo.

Thực tế cho thấy, đổi mới sáng tạo ngày càng được coi trọng tương đương với nghiên cứu khoa học và công nghệ; các sáng kiến cần dịch chuyển sang doanh nghiệp và có chiến lược thương mại hóa rõ ràng. Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua đã đặt đổi mới sáng tạo ngang hàng với khoa học công nghệ chứng tỏ để phát triển, phải có sự dung hòa và không nằm ngoài xu hướng tất yếu này.
“Cởi trói” đầu tư công tư trong khoa học công nghệ từ Nghị định 180/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được quy định trong Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và đã được thực hiện nhiều năm qua ở Việt Nam nhưng kết quả áp dụng hình thức này trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số còn rất hạn chế. Lý giải điều này, các chuyên gia chỉ ra, do thiếu cơ chế pháp lý cho các mô hình hợp tác linh hoạt giữa Nhà nước-doanh nghiệp-tổ chức khoa học công nghệ là các trường đại học, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập. Thiếu các cơ chế ưu đãi, chia sẻ rủi ro phù hợp, đủ mạnh, chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Quy trình, thủ tục đầu tư, hợp tác liên doanh liên kết còn phức tạp, chưa phù hợp với các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng mới đây cũng đã khẳng định, mặc dù đã có Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vẫn cần có những giải pháp đổi mới, phù hợp thực tiễn.
Vì thế, Ban Chỉ đạo Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng Nghị định liên quan để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu. Đây là bước đi quan trọng để tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại trong quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
“Bộ Tài chính xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thể hiện trách nhiệm chính trị của Bộ trong việc hiện thực hóa đường lối của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách cơ chế tài chính, nhanh chóng đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực trung tâm của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Trên tinh thần bám sát mục tiêu chỉ đạo tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 93 của Quốc hội, các kế hoạch hành động và Nghị quyết của Chính phủ để triển khai thực hiện, Chính phủ ban hành Nghị định 180/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách về hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hợp tác công tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hợp tác công tư theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; trách nhiệm của các bên trong hoạt động hợp tác công tư... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trừ quy định tại khoản 2 Điều này. Quy định tại các Điều 6, Điều 19 và Điều 22 của Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2025.

Xét đến cùng, trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần một hành lang pháp lý rõ ràng và ổn định, cùng với đó là các chính sách khuyến khích riêng cho khối tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, đặc biệt trong việc tiếp cận quỹ nghiên cứu, ưu đãi thuế, đăng ký sở hữu trí tuệ và tín dụng.
Chỉ khi xây dựng một cơ chế đầu tư cạnh tranh không phân biệt công lập hay tư nhân, năng lực thực chất mới được phát huy, tạo động lực đổi mới và chuyển giao công nghệ một cách công bằng và hiệu quả. Điều này cũng sẽ là nền tảng để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển bền vững trong thời đại chuyển đổi số và kỷ nguyên mới của nước ta hiện nay.