Đây là bước đi kịp thời, tiếp tục cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo công nghệ chiến lược và là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi đã được xác định tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
11 nhóm công nghệ chiến lược được công bố đều là các lĩnh vực rất cần thiết khi đặt trong tổng thể yêu cầu phát triển quốc gia, có khả năng tạo đột phá, góp phần giải quyết các bài toán lớn của Việt Nam như tăng trưởng hai con số, mô hình chính quyền địa phương hai cấp...
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, việc triển khai rộng hơn các nhóm công nghệ chiến lược nhằm quan sát, đánh giá hiệu quả là cần thiết để từ đó có cơ sở xác định đâu là mũi nhọn thật sự có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Quyết định số 1131 cũng quy định việc xem xét, bổ sung công nghệ, sản phẩm công nghệ chiến lược căn cứ theo nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của từng giai đoạn. Tinh thần này thể hiện rõ quan điểm: mọi công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển đều được Nhà nước quan tâm, thúc đẩy và không giới hạn ở những cái tên trong danh mục, đồng thời, gắn nghiên cứu công nghệ chiến lược đi kèm với phát triển sản phẩm chiến lược để ra được sản phẩm cụ thể phục vụ ngay cho phát triển đất nước. Đây là một cách tiếp cận mới, cho thấy tư duy triển khai chính sách thực chất và thiết thực.
Sự ra đời của Quyết định số 1131 mới chỉ là bước khởi đầu. Để hiện thực hóa định hướng phát triển công nghệ chiến lược, rất cần sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành với những chương trình hành động cụ thể, sát với chức năng và lĩnh vực phụ trách. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực, giữ vai trò chủ chốt trong việc tham mưu xây dựng Chương trình quốc gia phát triển công nghệ chiến lược và công nghiệp chiến lược, đồng thời điều phối, kết nối hiệu quả giữa các chủ thể liên quan. Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ có các cơ chế tài chính linh hoạt, dài hạn, phù hợp với đặc thù rủi ro cao trong đầu tư cho công nghệ; xây dựng các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư.
Việc bảo đảm nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ chiến lược đặt ra những đòi hỏi mới ngày càng cao đối với hệ thống đào tạo và sử dụng nhân lực của ngành giáo dục và nội vụ. Từ phía các trường đại học, viện nghiên cứu và đội ngũ các nhà khoa học cần xác định vai trò cốt lõi là trung tâm sáng tạo, nơi sản sinh tri thức và chuyển hóa tri thức thành công nghệ, thành sản phẩm ngày càng trở thành yêu cầu tiên quyết, thay vì chỉ là nhiệm vụ giao phó.
Với các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân năng động, sự tham gia theo thế mạnh của mình vào chiến lược công nghệ quốc gia không chỉ là sự đồng hành, mà còn là cơ hội khẳng định vai trò chủ thể đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là yêu cầu rất quan trọng đã được nêu trong Nghị quyết số 57, vì vậy pháp luật phải tiếp tục được sửa đổi theo tinh thần kiến tạo, chứ không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ.
Danh mục chiến lược có thể điều chỉnh theo thời gian, nguồn lực có thể bổ sung theo từng giai đoạn, nhưng rõ ràng nếu thiếu một tinh thần nhập cuộc thực chất, công nghệ chiến lược sẽ khó đi được trọn hành trình từ danh mục đến hành động thực tiễn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà ở đó, mỗi chủ thể đều hành động không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn bằng khát vọng đồng hành cùng đất nước kiến tạo tương lai.