Khát vọng hình thành IFC
Theo quy hoạch chung được phê duyệt, Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu hiện đại và văn minh, với trình độ phát triển ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới. Thành phố đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ hàng đầu châu Á; giữ vai trò là cực tăng trưởng và động lực thúc đẩy phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Việc hướng đến hình thành Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là khát vọng lớn.
Theo các chuyên gia, khát vọng về IFC có cơ sở vì trong bốn yếu tố cốt lõi nói chung của IFC, Thành phố Hồ Chí Minh hội đủ ít nhất ba yếu tố gồm: ổn định vĩ mô; kết nối toàn cầu; tiềm năng từ các ngành kinh tế. Thành phố còn có tiềm năng về hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và cộng sự, về kết nối quốc tế, thành phố có điểm mạnh khá rõ nét; nằm tại trung tâm Đông Nam Á, gần các nền kinh tế phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Vị trí địa lý trung tâm không chỉ giúp dễ dàng kết nối với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và trao đổi vốn quốc tế. Hệ thống giao thông, với cảng biển và sân bay quốc tế, đóng vai trò quan trọng bảo đảm dòng chảy hàng hóa và dịch vụ tài chính xuyên biên giới.
Sức mạnh kinh tế từ các ngành công nghiệp và dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh sau hợp nhất chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước. Đây là nơi công nghiệp hóa sớm, thu hút FDI với số lượng và chất lượng cao, đồng thời là trung tâm dịch vụ lớn nhất cả nước. Ngành dịch vụ kỳ vọng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại với giá trị gia tăng cao, trong đó dịch vụ tài chính-ngân hàng, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, logistics đang là thế mạnh hiện tại. Điều này tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp năng động.
Động lực phát triển mới
Sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành siêu đô thị đa trung tâm với diện tích hơn 6.770 km² và dân số khoảng 13,7 triệu người. Việc hợp nhất tích hợp ba thế mạnh chính: Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) là trung tâm kinh tế-tài chính hàng đầu; Bình Dương (cũ) là trung tâm công nghiệp hiện đại; Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) sở hữu cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, với tiềm năng lớn về dầu khí, năng lượng và du lịch biển. Tam giác phát triển này tạo nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh mới vươn lên trở thành trung tâm kinh tế-tài chính-logistics-công nghiệp hàng đầu khu vực.
Tuy nhiên, sáp nhập cũng đặt ra thách thức về tăng trưởng kinh tế. Tính bình quân quý I/2025, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt khoảng 6,72%, thấp hơn GDP bình quân cả nước (quý I/2025 cả nước đạt 6,93%).
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần cụ thể hóa chiến lược chuyển đổi công nghiệp theo hệ sinh thái công nghiệp-dịch vụ gắn với mô hình 4-5-6. Thành phố cần tiếp tục nâng cấp bốn ngành công nghiệp truyền thống (điện tử, hóa dược, chế tạo máy, chế biến tinh lương thực-thực phẩm); đầu tư phát triển năm ngành công nghiệp mới theo xu hướng toàn cầu (công nghệ sinh học, thiết bị y tế, tự động hóa, bán dẫn, năng lượng tái tạo); sáu ngành dịch vụ nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống (thông tin truyền thông, tài chính bảo hiểm, khoa học-công nghệ, logistics, y tế chất lượng cao, giáo dục tinh hoa).
Theo các chuyên gia, việc tạo động lực tăng trưởng mới đòi hỏi thành phố cần thay đổi tư duy về mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa vào tri thức, công nghệ và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) làm trụ cột. Các lĩnh vực như nông nghiệp, logistics, cảng biển, khu công nghiệp… có thể áp dụng ngay tăng trưởng chiều sâu với hàm lượng công nghệ cao và quản trị tiên tiến. Với một số lĩnh vực vẫn còn dư địa lớn (du lịch sinh thái, nông nghiệp biển, công nghiệp hỗ trợ), mô hình tăng trưởng theo chiều rộng vẫn có thể được xem xét áp dụng trong ngắn hạn, gắn với định hướng nâng cao giá trị gia tăng dài hạn.