Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh THẾ ANH)
Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh THẾ ANH)

Chú trọng xuất khẩu sang khu vực Nam Á

Trước nguy cơ Hoa Kỳ áp thuế cao, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng khu vực Nam Á.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực (Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công thương), khu vực Nam Á gồm tám quốc gia là Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Maldives, Sri Lanka và Afghanistan với tổng dân số hơn 1,8 tỷ người, chiếm gần 1/4 dân số toàn cầu. Trong đó, bốn thị trường trọng điểm là Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất (khoảng 1,45 tỷ người) và là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, giữ vai trò cửa ngõ giao thương.

Việc tiếp cận Ấn Độ có thể mở ra cơ hội thâm nhập các quốc gia khác trong khu vực. Khoảng cách địa lý giữa vùng Đông Nam Bộ và Nam Á khá gần, thuận lợi cho vận tải hàng hải. Hàng hóa từ vùng Đông Nam Bộ được vận chuyển bằng đường biển có thể đến các cảng lớn như: Mumbai (Ấn Độ), Karachi (Pakistan), Chittagong (Bangladesh)...

Các nước Nam Á nhập khẩu nhiều nhóm mặt hàng như hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, linh kiện điện tử, nguyên vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu dệt may và da giày… Đáng chú ý, các quốc gia Nam Á đang tìm kiếm nguồn cung từ Đông Nam Á, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường Nam Á còn nhiều thách thức đối với những doanh nghiệp mới, chưa có kinh nghiệm giao thương. Với mức thu nhập trung bình-thấp, người tiêu dùng khá nhạy cảm về giá, phần lớn ưu tiên hàng hóa giá rẻ. Người tiêu dùng thường thích hàng hóa chia thành các gói nhỏ và ưa chuộng hàng khuyến mãi. Họ quan tâm đến bao bì có chứng nhận chất lượng và đã nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, an toàn thực phẩm.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Mai Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đặc điểm tôn giáo ở các nước Nam Á, với đạo Hindu ở Ấn Độ, đạo Phật ở Sri Lanka, Hồi giáo ở Pakistan và Bangladesh… Các quốc gia Nam Á cũng thường thay đổi đột ngột chính sách thương mại và có xu hướng gia tăng bảo hộ thị trường nội địa bằng các hàng rào kỹ thuật hoặc quy định có tính chất như “giấy phép con”.

Để xuất khẩu hàng hóa sang các nước Nam Á đạt kết quả khả quan, theo Tiến sĩ Lê Thị Mai Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ đặc tính tiêu dùng từng quốc gia và nắm bắt nhu cầu đối tác. Với tầng lớp trung lưu tăng nhanh (dự kiến đạt khoảng 700 triệu người vào năm 2030), doanh nghiệp xuất khẩu nên tập trung vào xu hướng tiêu dùng của tầng lớp này và giới trẻ; tích cực tham gia hội chợ thương mại để tiếp xúc đối tác, khách hàng tiềm năng.

Khi số lượng người mua sắm trực tuyến tăng và thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh nghiệp nên tận dụng, khai thác sàn thương mại điện tử phổ biến ở Ấn Độ như Amazon India, Flipkart, Daraz… và chú trọng đầu tư chiến lược tiếp thị số, quảng cáo trên mạng xã hội phổ biến như Youtube và Instagram.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hương (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Ngoại thương), vấn đề lớn nhất tại Nam Á là dịch vụ logistics còn yếu kém với kết cấu hạ tầng giao thông lạc hậu, kết nối giữa các loại hình vận tải chưa thông suốt, chi phí vận chuyển cao... Cảng biển thường quá tải, thiếu container, thủ tục thông quan với thời gian xử lý kéo dài (từ 20- 45 ngày)… Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động kết nối trực tiếp với đối tác, đến tận nơi làm việc và xây dựng phương án logistics chi tiết cho từng chuyến hàng.

Tại thị trường Bangladesh, theo ông Đỗ Văn Trọng, Trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh, doanh nghiệp Việt Nam nên ưu tiên hiện diện trực tiếp và xây dựng chiến lược tiếp thị phù hợp thị hiếu, văn hóa người dân địa phương. Người dân Bangladesh quan tâm cả giá lẫn chế độ hậu mãi, khuyến mãi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hương khuyến nghị, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ giấy tờ, hồ sơ, thủ tục và ưu tiên thuê công ty giao, nhận hàng nội địa (các nước nhập khẩu) có kinh nghiệm. Không nên dùng phương thức chuyển 100% tiền với khách mới để tránh rủi ro, thay vào đó dùng thư tín dụng (LC); tránh gửi hàng sát kỳ nghỉ lễ địa phương vì nguy cơ mất hàng từ logistics…

Xem thêm