Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành điều vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khó phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Các doanh nghiệp cần tập trung vào hai yếu tố then chốt: Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững và đẩy mạnh chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Doanh nghiệp chủ động
Ông Nguyễn Hoàng Đạt, Phó Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho biết: Phần lớn doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai phải nhập khẩu nguyên liệu điều thô từ châu Phi, không chỉ tiềm ẩn rủi ro về giá cả, logistics mà còn ảnh hưởng đến tính chủ động và tính ổn định của ngành. Những năm gần đây, doanh nghiệp chế biến hạt điều phối hợp với chính quyền và người dân quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu điều trong nước, giúp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ người trồng điều nâng cao thu nhập.
Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hạt điều ở phía tây tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Mỵ (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ có địa chỉ ở xã Đồng Phú) đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu. Đến nay, bà Mỵ đã liên kết với các hợp tác xã trồng điều ở xã Đắk Nhau, Phước Sơn, Bom Bo để cùng sản xuất điều hữu cơ.
Bà Mỵ cho biết: “Bình Phước có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp chế biến điều nhưng chưa được đầu tư đúng tầm. Vì vậy, tôi nhanh chóng thiết lập vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến và tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ. Đến nay, công ty đã chủ động nguồn nguyên liệu điều thô, có hàng chục sản phẩm chế biến từ điều nhân, đáp ứng thị trường trong nước, xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada…”.
Song song với xây dựng vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp còn chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật để đẩy mạnh chế biến chuyên sâu. Đây là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Giám đốc Công ty TNHH Vinahe Nguyễn Hoàng Đạt (phường Phước Bình, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Trong quy trình chế biến, sản xuất hạt điều, chúng tôi chú trọng áp dụng khoa học-công nghệ, coi đây là “chìa khóa” thành công. Áp dụng khoa học-công nghệ giảm được nhiều khâu trung gian trong quy trình sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Đồng hành cùng nông dân
Sau khi sáp nhập, tỉnh Đồng Nai có hơn 160.000 ha cây điều, chiếm khoảng 50% số diện tích điều cả nước. Tuy nhiên, phần lớn diện tích điều được trồng từ lâu, đã già cỗi, năng suất và chất lượng chưa cao. Trước thực tế đó, những năm gần đây, tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm “trẻ hóa” các vườn điều.
Một giải pháp trọng tâm là tái canh vườn điều già cỗi, sâu bệnh. Tỉnh hỗ trợ người dân chặt bỏ cây điều kém hiệu quả, thay thế bằng giống điều mới cho năng suất cao, kháng bệnh tốt như PN1, AB05-08, AB29… Ngành nông nghiệp phối hợp các viện, trường nghiên cứu, nhân giống và cung ứng cây giống đạt chuẩn cho nông dân; chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến thông qua các lớp tập huấn, mô hình trình diễn kỹ thuật.
Ngành hướng dẫn nông dân cách tỉa cành, tạo tán, bón phân cân đối, tưới nước tiết kiệm và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nhất là bọ xít muỗi, bệnh thán thư… - những tác nhân chính gây mất mùa điều. Việc ứng dụng cơ giới hóa và chuyển đổi số được khuyến khích, giúp giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả quản lý vườn cây.
7 năm trước, ông Phạm Vân ở xã Phước Sơn, tỉnh Đồng Nai chủ động cắt 3 ha điều để trồng mới. Ông Phạm Vân cho biết: “Trước đây vườn điều già cỗi nên năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ ha. Năm nào thời tiết khô hạn và thời điểm ra hoa gặp sương muối thì năng suất không đạt một tấn/ha. Từ khi tỉnh hỗ trợ trồng mới vườn điều, năng suất đạt trên 2,5 tấn/ha. Cây điều phụ thuộc vào thời tiết rất lớn, cho nên người trồng phải chọn giống điều chịu hạn tốt; cần chăm sóc tốt từ ban đầu như tỉa cành, tạo tán, dùng phân hữu cơ. Khi có sâu bệnh phải phòng trừ kịp thời, đúng thời điểm để cây cho năng suất cao nhất”.
Cùng với Nhà nước và nhà khoa học, doanh nghiệp cần hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt điều. Song song với đó, nông dân cần được hỗ trợ kỹ thuật và cây giống để tái canh thay thế các vườn điều già cỗi, năng suất thấp. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, phát huy hiệu quả chuỗi liên kết, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm làm từ hạt điều.