Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, luật sư… tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi được ban hành, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đóng vai trò nền tảng trong việc điều chỉnh và định hướng cho các quan hệ về nhân thân và tài sản ở nước ta.
Trong đó, chế định về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản luôn giữ vị trí trung tâm, không chỉ phản ánh các nguyên tắc cốt lõi của pháp luật dân sự, mà còn thể hiện sự phát triển về tư duy lập pháp và nhu cầu điều chỉnh các quan hệ tài sản ngày càng đa dạng, phức tạp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Qua gần một thập kỷ triển khai, có thể khẳng định Bộ luật Dân sự năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc củng cố cơ sở pháp lý cho các thiết chế về quyền đối với tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dân sự, thương mại, đầu tư và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể.
Trong đó, không ít các quy định lần đầu được ghi nhận đã có những đóng góp then chốt trong việc bảo vệ và tăng cường khả năng khai thác triệt để các quyền đối với tài sản, cụ thể là quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng cho thấy vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến việc xác lập, thực thi, bảo vệ các quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và sự đa dạng của các loại tài sản mới.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận và đề xuất nhiều ý kiến đóng góp về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong bối cảnh mới.
Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật dân sự ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.