Cầu Ba Son nối với bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: NVCC
Cầu Ba Son nối với bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: NVCC

"Siêu đô thị" Thành phố Hồ Chí Minh:

Bài toán quy hoạch chưa từng có tiền lệ

“La Perle de l’Extrême - Orient” - Hòn ngọc Viễn Đông là cách gọi yêu kiều mà người Pháp dành cho Sài Gòn hơn 100 năm trước. Qua nhiều thăng trầm, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với địa giới mở rộng và dân số gần 14 triệu người.

Soi chiếu quá khứ hướng đến tương lai, nhà nghiên cứu (NNC) đô thị Trần Hữu Phúc Tiến đã chia sẻ những góc nhìn để góp phần định hình một siêu đô thị ở phía nam.

Trong cuốn “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông”, ông đã điểm lại quá trình quy hoạch, kiến thiết Sài Gòn trước 1945 và các kinh nghiệm để lại. Những bài học đó còn áp dụng được cho hôm nay không thưa ông?

Từ năm 1862, người Pháp đã bắt đầu quy hoạch Sài Gòn theo hướng hiện đại và có chế độ kiến trúc sư trưởng từ năm 1879. Qua 85 năm kiến thiết, họ để lại nhiều cơ sở hạ tầng và đường hướng quy hoạch cho các thời kỳ sau mà đến nay chúng ta vẫn kế thừa. Theo tôi, có ba bài học quy hoạch vẫn còn hữu ích cho Thành phố Hồ Chí Minh của thế kỷ 21. Trước nhất là việc định vị Sài Gòn thành đầu mối giao thông trọng yếu về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy không chỉ cho Nam Kỳ mà còn cho Đông Dương, Đông Nam Á và Viễn Đông. Cảng Sài Gòn từng là trung tâm hàng hải quan trọng, nằm trong nhóm 10 cảng lớn nhất của đế quốc Pháp. Dù hàng không chưa phát triển thời đó, nhưng từ thập niên 1960, Sài Gòn đã trở thành điểm kết nối các đường bay quốc tế. Đó là một tiềm năng mà ngày nay chúng ta cần khai thác mạnh mẽ hơn.

Bài học thứ hai là mô hình phát triển đô thị thiên về dịch vụ, từ thương cảng, sửa chữa tàu thuyền đến vận chuyển đa phương thức, tài chính, ngân hàng, ngoại thương, giáo dục, nghiên cứu… Định hướng này vẫn còn nguyên giá trị cho ngày nay.

Bài học thứ ba là xây dựng thành phố hài hòa với cây xanh và sông nước. Dù thời ấy chưa có khái niệm “thành phố xanh” hay “vườn trong phố”, nhưng từ cuối thế kỷ 19, chính quyền Pháp đã quy hoạch Sài Gòn với nhiều công viên, đường rợp bóng cây, kiểm soát vệ sinh môi trường nghiêm ngặt. Nhiều người nước ngoài từng ví Sài Gòn là “Paris trong rừng” cũng bởi lý do này.

Những kinh nghiệm phát triển đúng đắn đều có thể áp dụng và phát huy tốt nếu chúng ta thật sự có tầm nhìn và quyết tâm lớn.

z6754354758601-48d730de7b324f5db1b4f0ce60b24e8d.jpg
NNC Trần Hữu Phúc Tiến ký lưu niệm tại buổi ra mắt sách ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Theo ông, việc mở rộng Thành phố Hồ Chí Minh thành “siêu đô thị” với gần 6.800 km² cùng hơn 13,7 triệu dân sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức gì?

Đây là bước ngoặt lịch sử, mở ra tầm nhìn mới cho phát triển đô thị, kinh tế vùng và kinh tế quốc gia. Việc sáp nhập giúp kết nối và nhân rộng thế mạnh của ba địa phương trong vùng động lực phía nam. Quan trọng hơn, quyết định này sẽ giải quyết bài toán liên kết vùng tồn tại nhiều năm qua. Từ nay, ba địa phương đã thành một thể thống nhất, thuận lợi hơn trong việc hoạch định chiến lược, chia sẻ nguồn lực và triển khai các kế hoạch phát triển. Trên nền tảng đó, thành phố mới sẽ là một thủ phủ cấp quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, thành phố cũng đối mặt nhiều vấn đề mới, trước hết là phát triển kinh tế biển. Bởi “siêu đô thị” này không chỉ mở rộng trên bộ mà còn tỏa rộng sông nước và biển cả. Thành phố mới có khoảng 330 km bờ biển, gần bằng 1/10 đường bờ biển cả nước, đồng thời tiếp giáp vùng thềm lục địa rộng khoảng 100 nghìn km², nơi giàu tài nguyên khoáng sản và dầu khí. Thêm nữa, với Côn Đảo, rất gần Vũng Tàu và Cần Giờ, không gian thành phố đã vươn ra trùng khơi. Thành phố Hồ Chí Minh mới cũng chính là trung tâm hậu cần to lớn và gần gũi nhất của quần đảo Trường Sa, một lãnh hải trọng yếu với nhiều nguồn lợi quan trọng chưa khám phá hết.

Trong khi ấy, các cảng nằm ở Vũng Tàu, Cần Giờ, Nhà Bè hợp cùng Côn Đảo nếu kết hợp tốt sẽ tạo thành một chuỗi trạm dừng chân liên ngành cần thiết cho nhiều tuyến đường biển xuyên Thái Bình Dương. Ngoài ra, từ nhiều thế kỷ qua, phần lớn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn vốn là “gia sản” chung của ba địa phương nay đã hợp nhất, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các kế hoạch phát triển dọc theo hành lang ven sông. Phải chăng, từ năm 2025 trở đi, kinh tế biển, kinh tế sông nước với nhiều ngành nghề đa dạng sẽ trở thành mũi nhọn phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh?

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với rất nhiều bài toán mới trong việc quản trị đô thị đa trung tâm với nhiều “tiểu khu”, “đặc khu” và dân số khổng lồ. Chẳng hạn, đô thị hóa như thế nào cho hợp lý khi Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều vùng nông thôn hơn? Hay việc xây dựng các trục đường giao thông kết nối ba địa phương có làm giảm áp lực dồn nén dân cư vào các trung tâm đã phát triển lâu đời hay không? Ngoài ra, chúng ta còn phải suy nghĩ về việc kiến tạo bản sắc mới của một “siêu đô thị” trên cơ sở kế thừa bản sắc lịch sử-văn hóa của các địa phương!

Vậy đâu là giải pháp cho các bài toán cấp thiết này?

Tôi cho rằng nhân lực là yếu tố hàng đầu. Chúng ta đang đề cao phương châm nhân lực và bộ máy “tinh gọn, hiệu quả”. Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ còn phải đòi hỏi cao thêm yếu tố thông minh và đa năng. “Đất lành chim đậu”, khi có môi trường làm ăn hiệu quả, những luồng người, luồng chất xám, luồng hàng và luồng tiền sẽ tiếp tục tụ hội tấp nập ở “siêu đô thị” tân kỳ này. Nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cầu đường, xa lộ, metro, đường sắt, cảng biển, sân bay... được thực hiện mỹ mãn; các dự án kinh doanh liên khu vực, liên quốc gia được phát triển thành công thì khả năng “nối vòng tay lớn” của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn gia tăng hơn nữa, đem đến niềm vui chung cho cả nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhà nghiên cứu lịch sử đô thị Trần Hữu Phúc Tiến là Ủy viên BCH Hội Quy hoạch Đô thị Phát triển Việt Nam và Hội Quy hoạch Đô thị Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là tác giả các sách: “Sài Gòn không phải ngày hôm qua”, “Sài Gòn - Hai đầu thế kỷ”, “Du lịch Đông Dương xưa”... Mới đây, cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông” do ông biên soạn được Giải Vàng Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ IV (VUPA 2024).

Xem thêm