Mặt bằng tuyến Metro số 2 đã sẵn sàng cho thi công xây dựng vào cuối năm nay. (Ảnh THẾ ANH)
Mặt bằng tuyến Metro số 2 đã sẵn sàng cho thi công xây dựng vào cuối năm nay. (Ảnh THẾ ANH)

Nhiều nhà đầu tư mong muốn tham gia xây dựng Metro

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch triển khai bảy tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 355 km từ nay đến năm 2035. Thành phố cần nguồn lực đầu tư lớn từ khu vực tư nhân để thu hút đầu tư.

Doanh nghiệp đăng ký đầu tư metro

Sau khi thành phố được trao nhiều cơ chế đặc thù trong đầu tư đường sắt đô thị (Metro), nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đề xuất đầu tư các dự án Metro. Tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Trường Hải (THACO) đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến Metro số 2 (đoạn Tham Lương- Bến Thành; Bến Thành-Thủ Thiêm) và tuyến Thủ Thiêm- Long Thành. Tuyến đường sắt Bến Thành-Thủ Thiêm-Long Thành được chính quyền thành phố đánh giá cao vì giúp kết nối đồng bộ các tuyến Metro từ khu vực trung tâm thành phố (Bến Thành) đến khu đô thị Thủ Thiêm và kéo dài đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Sở Xây dựng, việc tích hợp quy hoạch các tuyến này thành một tuyến thống nhất (Bến Thành-Thủ Thiêm-Long Thành) là phù hợp về mặt kỹ thuật và định hướng phát triển không gian đô thị, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư, gia tăng khả năng kết nối.

Liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng công ty xây dựng số 1 và Tập đoàn Hòa Phát (gọi tắt là Liên danh DCH) có đề xuất tham gia với vai trò tổng thầu EPC (thiết kế, thi công xây lắp, cung cấp thiết bị) cho các dự án Metro gồm tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), tuyến Metro Thủ Thiêm-Long Thành và tuyến thành phố mới Bình Dương-Suối Tiên. Nhà đầu tư này cam kết tham gia thi công tuyến Metro số 2 trong năm 2025. “Bằng kinh nghiệm, uy tín và đội ngũ sẵn có, chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực cần thiết để triển khai các dự án này, bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả”, đại diện Liên danh DCH chia sẻ.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất đầu tư tuyến Metro nối trung tâm thành phố với Cần Giờ, dài 48,5 km, rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực trung tâm về Cần Giờ.

Tuyến sẽ bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, đi theo các tuyến đường hiện hữu và vượt sông Soài Rạp, rồi đi song song với cao tốc Bến Lức-Long Thành và bám theo đường Rừng Sác đến Cần Giờ. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 102.370 tỷ đồng, tương đương 4,09 tỷ USD do chủ đầu tư tự bỏ vốn.

Tuyến Metro số 4 dài hơn 47 km, kết nối từ Đông Thạnh (Hóc Môn) đến Khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè) cũng mới được một tập đoàn trong nước đề xuất tham gia nghiên cứu đầu tư.

Phát triển kinh tế tư nhân trong đường sắt đô thị

Tuyến Metro số 1 đạt hiệu quả cao với gần 10 triệu lượt khách sau 6 tháng hoạt động. Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận: Việc triển khai đầu tư các tuyến Metro còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu. Tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên mất hơn 15 năm đầu tư xây dựng trước khi khai thác vận hành, tuyến Metro số 2 Bến Thành- Tham Lương mất khoảng 5 năm cho thủ tục đầu tư, trước khi khởi công cuối năm nay.

Theo đánh giá của thành phố, thủ tục đầu tư các tuyến Metro phải qua nhiều bộ, ngành thẩm định, vốn đầu tư cao, phụ thuộc nguồn vốn tài trợ nước ngoài; tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các tuyến Metro cũng chưa có. Những điều này tác động lớn đến “vòng đời” dự án, thậm chí gây ách tắc kéo dài.

Nghị quyết số 188/2025/ QH15 ngày 19/2/2025 do Quốc hội ban hành với những cơ chế vượt trội là “cú huých” giúp các cơ quan, đơn vị chức năng thay đổi tư duy, cách làm. Nghị quyết cho phép bỏ khâu thẩm định chủ trương đầu tư hay phân cấp cho chính quyền thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, cũng như chủ động chỉ định thầu,... Từ đây, quy trình có thể được rút ngắn 3-4 năm so với trước.

Theo Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây dựng Số 1-CTCP, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư quan tâm đến nghiên cứu đầu tư các dự án đường sắt đô thị là hướng đi phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, giúp phát huy tiềm năng, nguồn vốn đa dạng từ doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị trong 10 năm tới.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng: Chính quyền thành phố rất ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Cơ chế và chính sách đặc thù chính là công cụ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia; chuyển từ đầu tư công sang đầu tư tư nhân để giảm áp lực ngân sách. Thành phố sẽ tái cơ cấu Ban Quản lý Đường sắt đô thị theo mô hình doanh nghiệp để tăng hiệu quả quản lý và vận hành.

Các nhà đầu tư kiến nghị thành phố sớm vận dụng Nghị quyết 188 nhằm phân cấp mạnh cho cơ quan có thẩm quyền; chủ động lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, từng bước làm chủ công nghệ đường sắt đô thị...

Xem thêm