Sáng 17/7, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam”. Sự kiện thu hút sự tham dự của các cơ quan quản lý, chuyên gia tài chính, đại diện các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và đông đảo nhà đầu tư.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế của FTSE và MSCI. Trong đó, chất lượng và nhận thức của nhà đầu tư được coi là yếu tố then chốt, bên cạnh các tiêu chí về hạ tầng, pháp lý và thanh khoản.
Ngành quỹ: Mảnh ghép còn thiếu để nâng chất thị trường
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE, nhấn mạnh vai trò trung tâm của các công ty chứng khoán trong việc định hướng hành vi đầu tư.
Theo bà Linh, với hơn 10,2 triệu tài khoản chứng khoán hiện nay, việc phổ cập kiến thức và tạo dựng hệ sinh thái đầu tư minh bạch, thân thiện là điều kiện tiên quyết để hướng tới thị trường chuẩn quốc tế.
“Các công ty chứng khoán không chỉ là nơi cung cấp sản phẩm tài chính, mà còn phải trở thành đối tác đồng hành trong đào tạo, nâng cao năng lực cho nhà đầu tư cá nhân,” bà Linh nói.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), cho rằng ngành quỹ tại Việt Nam vẫn chưa phát huy đúng tiềm năng. Trong khi số lượng tài khoản chứng khoán vượt mốc 10 triệu, thì tài khoản đầu tư chứng chỉ quỹ chỉ hơn 2 triệu.
“Việc phát triển ngành quỹ sẽ góp phần giảm tính đầu cơ, ổn định dòng vốn và tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức, yếu tố quan trọng để nâng hạng thị trường”, bà Nga khẳng định.
Tại phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nhà đầu tư”, các diễn giả tập trung làm rõ những điểm yếu còn tồn tại: Cơ cấu nhà đầu tư mất cân đối khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99% số tài khoản; thiếu giáo dục tài chính từ cấp phổ thông và đại học; thiếu cơ chế phối hợp truyền thông hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và báo chí.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định: “Việc nâng hạng không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà còn phụ thuộc vào việc nâng chất lượng của nhà đầu tư, đặc biệt là phát triển nhà đầu tư tổ chức và xu hướng đầu tư dài hạn”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng dẫn lại Quyết định 1726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Phát triển ngành quỹ – cần cơ chế và công nghệ đồng hành
Tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Giải pháp phát triển thị trường quản lý quỹ” đề cập hàng loạt thách thức và định hướng chính sách trong bối cảnh thị trường chuẩn bị được nâng hạng.
Các chuyên gia đánh giá cao vai trò của hệ thống xếp hạng tín nhiệm trong tăng minh bạch; đề xuất chuẩn hóa đào tạo đội ngũ quản lý quỹ; ứng dụng AI trong phân bổ danh mục đầu tư phù hợp với từng nhóm khách hàng cá nhân.
Phiên giao lưu thứ 3 giữa chuyên gia và nhà đầu tư thu hút sự chú ý với nhiều câu hỏi thực tiễn xoay quanh chứng chỉ quỹ, cách phân bổ danh mục, so sánh giữa đầu tư cổ phiếu tích sản và đầu tư quỹ. Điều này phản ánh sự chuyển dịch nhận thức của cộng đồng đầu tư từ đầu tư ngắn hạn sang dài hạn, và từ cá nhân sang tổ chức.
Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn thiện khung pháp lý cho ngành quỹ, đồng thời đẩy mạnh giáo dục tài chính qua nền tảng số, nhằm mở rộng quy mô ngành quỹ và tạo nền tảng bền vững để nâng hạng thị trường chứng khoán”.
Hội thảo khép lại với thông điệp rõ ràng: Muốn nâng hạng thị trường, không thể chỉ dựa vào cải cách kỹ thuật, mà cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư, cả về tư duy, nhận thức lẫn hành động.