Công trình khoa học bị bỏ ngỏ
Giống lúa TBR225, do Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo và các cộng sự tại ThaiBinh Seed lai tạo, được công nhận là giống quốc gia từ năm 2015. Dù nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất, TBR225 vẫn dễ bị tổn thương bởi bệnh bạc lá, làm ảnh hưởng từ 10-80% năng suất hay thậm chí dẫn đến mất trắng.
Để khắc phục nhược điểm này, ThaiBinh Seed đã hợp tác chiến lược với Viện Di truyền Nông nghiệp, hướng đến ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen để tăng cường khả năng kháng bệnh mà vẫn giữ nguyên những đặc tính ưu việt của giống. Với việc được ThaiBinh Seed đầu tư 70% và Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 30%, từ năm 2016-2020, các nhà khoa học đã hoàn thiện nghiên cứu chỉnh sửa gen ở giống lúa TBR225. Trong ba năm tiếp theo, quá trình khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm sản xuất và phát triển giống cũng được thực hiện.
Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Gấm (xã Đông Hưng, tỉnh Hưng Yên), dù chăm bón lượng phân tương đương, ruộng lúa cấy giống TBR225 kháng bạc lá trong thực tế rất sạch sâu bệnh và không bị ảnh hưởng bởi bệnh bạc lá.
Với khoảng 15.000 ha khảo nghiệm sản xuất, ThaiBinh Seed ước tính giá trị sản xuất tăng thêm khoảng 40 tỷ đồng. Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen đã tạo ra hiệu quả rõ rệt, giúp quá trình sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững và thân thiện với môi trường.
Dẫu vậy, trái với kỳ vọng, đề tài nghiên cứu gen kháng bạc lá trên lúa TBR225 vẫn chưa thể đi vào thực tiễn sản xuất. “Nếu thiếu cơ chế thúc đẩy việc ứng dụng sản phẩm khoa học vào thực tiễn, toàn bộ công sức nghiên cứu sẽ trở nên lãng phí”, ông Trần Mạnh Báo trăn trở.
Thành tựu khoa học của thế kỷ 21
Công nghệ chỉnh sửa gen, đặc biệt là phương pháp CRISPR/Cas, cho phép các nhà nghiên cứu thêm, xóa hay sửa một đoạn gen, tùy chỉnh mức độ biểu hiện của gen đích, hay thay đổi cấu trúc nhiễm sắc thể theo chủ đích, với độ chính xác cao. Viện Di truyền Nông nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận, làm chủ phương pháp CRISPR/Cas từ năm 2017, qua đó trở thành đơn vị tiên phong được giao thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về ứng dụng công nghệ này.
TS Nguyễn Duy Phương, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử tại Viện Di truyền Nông nghiệp chia sẻ: Viện đã thành công trong việc cải tiến giống lúa chủ lực mẫn cảm với bệnh bạc lá do mang các gen “nhiễm bệnh”. Thông qua công nghệ đột biến chính xác, Viện đã “sửa chữa” các gen “nhiễm bệnh”, đưa chúng về trạng thái “kháng bệnh” vốn có ở một số giống lúa hoang dại trong tự nhiên. Sau khi chỉnh sửa, các gen không còn phản ứng với vi khuẩn gây bệnh, khiến vi khuẩn không thể lây lan và phát triển trong cây lúa.
Kết quả thử nghiệm lúa chỉnh sửa gen kháng bạc lá trong điều kiện kiểm soát tại nhà lưới cho thấy dòng lúa chỉnh sửa gen hoàn toàn giữ được các đặc tính sinh trưởng và phát triển của dòng gốc, nhưng vượt trội ở khả năng kháng bệnh. Hơn nữa, các đặc tính nông - sinh học và chất lượng của các dòng lúa cải tiến này được duy trì tương tự so với giống gốc ban đầu.
Quan trọng nhất, về bản chất khoa học, chúng không thuộc nhóm sản phẩm biến đổi gen (GMO) vì không mang gen ngoại lai. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã phân biệt rạch ròi điều này.
Chìa khóa vàng để hội nhập
Theo báo cáo “Công nghệ chỉnh sửa gen Quy mô thị trường theo sản phẩm, ứng dụng, địa lý, bối cảnh cạnh tranh và dự báo” xuất bản tháng 10/2024 trên Market Research Intellect, thị trường đối với công nghệ chỉnh sửa gen được định giá là 5,88 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2031. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực này và sớm hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen.
Trong 5 năm trở lại đây, các nước Đông Nam Á đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình này. Philippines dẫn đầu khu vực với việc cấp phép thương mại cho một số cây trồng chỉnh sửa gen, trong khi Thái Lan và Singapore đã thông qua quy định pháp lý vào tháng 8/2024. Indonesia cũng đang trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến.
Cùng với châu Mỹ, các quốc gia trên có cách tiếp cận giống nhau. Nếu sản phẩm cuối không chứa DNA ngoại lai sẽ được quản lý như cây trồng lai truyền thống. Ngay cả Ủy ban châu Âu (EC), vốn thận trọng với cây trồng biến đổi gen, cũng đang đề xuất thay đổi chính sách để một số phương pháp chỉnh sửa gen được coi là truyền thống và không chịu sự quản lý nghiêm ngặt như sinh vật biến đổi gen.
Việt Nam đã có một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho cây trồng chuyển gen và cây trồng truyền thống. Do đó, chúng ta cần sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gen dựa trên cơ sở khoa học, có tính dự báo và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước.
TS Sonny Tababa,
Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á