Tri thức cần hiện diện thường xuyên trong hoạt động của các tổ chức Đảng ở xã, phường, không dừng lại ở các viện nghiên cứu, giảng đường hay hội thảo lý luận. Đặc biệt, trong quá trình vận hành mô hình chính quyền hai cấp, tri thức là nền tảng để hoạch định chủ trương, điều hành công việc ở địa phương và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý.
Nền tảng cho quản trị cơ sở
Tại xã Chí Minh, tỉnh Hưng Yên, việc lan tỏa tri thức đang diễn ra một cách tự nhiên và thực chất. Xã Chí Minh là đơn vị hành chính mới thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã: Chí Minh, Nguyễn Huệ và Thuần Hưng.

Trong nỗ lực của việc tổ chức lại bộ máy với nhiều thách thức mới, Đảng ủy xã Chí Minh chủ trương đưa tri thức thành một phần của sinh hoạt chính trị. Từ hội nghị, sinh hoạt chi bộ đến quản lý điều hành, tri thức đi cùng với từng nội dung Nghị quyết, từng bước triển khai nhiệm vụ.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Chí Minh Lê Quang Toản, để tri thức thực sự đi vào đời sống chính trị cơ sở, điều quan trọng là phải tạo môi trường học tập thường xuyên cho cán bộ, đảng viên. Ngay sau Đại hội Đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng ủy xã nhanh chóng triển khai kế hoạch cụ thể để xây dựng môi trường học tập liên tục, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm chính trị, khuyến khích cán bộ, đảng viên đọc sách, ứng dụng công nghệ vào đào tạo và cập nhật kiến thức. Nhiều cán bộ xã Chí Minh thường xuyên tự tìm đọc những tài liệu chuyên sâu về văn hóa, quản trị, công nghệ để nâng cao nhận thức, phục vụ công việc.
Là địa phương có truyền thống yêu nước, hiếu học, xã Chí Minh sau sáp nhập tiếp tục phát huy được sức mạnh văn hóa nội sinh để xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Đảng bộ xã thực hiện nghiêm túc chủ trương Bí thư không là người địa phương, 22/22 chi bộ có Bí thư kiêm Trưởng thôn. Các mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” cùng các phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chính quyền điện tử, chuyển đổi góp phần nâng cao chất lượng điều hành và hiệu quả phục vụ nhân dân.
Trong bối cảnh Hà Nội cùng cả nước đang triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, vai trò của tri thức và tầm nhìn của người lãnh đạo là luồng sinh khí quan trọng cho sự phát triển. Điều đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý, nhất là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời có thể đề xuất lựa chọn một mô hình hiện đại phù hợp với trình độ phát triển của địa phương mình, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công và hiệu quả quản lý nhà nước. "Chúng tôi mong muốn thu hút đội ngũ tri thức sinh sống trên địa bàn phường cùng tham gia tham mưu, phản biện, góp ý để chính quyền thúc đẩy một mô hình phát triển của phường", đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Liệt, Hà Nội, cho biết.

Cũng theo đồng chí Sơn, một xã hội hướng đến tương lai tốt đẹp không thể thiếu một thế hệ biết đọc, biết tư duy và biết hành động. Trong mỗi gia đình hay cơ quan, tổ chức, việc khơi dậy tinh thần đọc và học suốt đời chính là góp phần chuẩn bị tốt cho tương lai văn minh và tự cường. Vì vậy, văn hóa đọc không là hành vi của mỗi cá nhân, mà là ngọn lửa nuôi dưỡng tư duy, định hình nhân cách, mở rộng tầm nhìn, khơi dậy khát vọng để vươn lên trong cuộc sống.
Biến tri thức thành hành động
Trong dòng chảy phát triển của dân tộc, đội ngũ trí thức luôn giữ vai trò quan trọng. Truyền thống trọng dụng người có học đã được các triều đại phong kiến duy trì bằng thể chế “văn trị”, đến thời hiện đại lại càng được đề cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kêu gọi và đưa nhiều trí thức Việt kiều trở về nước, chung tay phục vụ kiến quốc, kháng chiến. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ tri thức đều được Đảng ta rất quan tâm và trọng dụng. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo quân khí, là Giám đốc Quân xưởng quân giới đầu tiên, cùng những tên tuổi trí thức như cụ Nguyễn Văn Huyên, cụ Bùi Bằng Đoàn… đã ghi dấu ấn sâu sắc bằng chính trí tuệ, sáng tạo và lòng tận tụy với đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt ở cấp xã, cấp phường cần phải có tri thức vững và ứng xử có văn hóa. Khi nhiều cán bộ chủ chốt được điều động từ tỉnh, thành phố về địa phương, thì năng lực điều hành không thể chỉ dựa vào thâm niên hay vị trí, mà phải được củng cố bằng nền tảng hiểu biết sâu sắc, biết lắng nghe, thuyết phục và phục vụ nhân dân. "Khi đội ngũ ấy trưởng thành trong tri thức và thực hành có trách nhiệm, đời sống chính trị cơ sở sẽ vận hành hiệu quả và thuyết phục hơn", nhà văn Phùng Văn Khai nhấn mạnh.
Cán bộ cơ sở, những người trực tiếp triển khai chủ trương, chính sách cần có thói quen đọc sách, rèn luyện tư duy phản biện, tiếp nhận kiến thức. Đọc không phải để trưng bày, mà để nâng tầm tư duy và hướng tới hành động đúng, để phục vụ dân hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc đọc sách cũng cần có chọn lọc và mục tiêu rõ ràng. Giữa việc đọc sách, tiếp thu và biến tri thức thành hành động là một quá trình, đòi hỏi sự tinh luyện, khả năng kết nối với thực tiễn và trách nhiệm trong công việc. Mỗi một cuốn sách lại giúp chúng ta rút ra được thông điệp, ý nghĩa.
Nhà văn Phùng Văn Khai ví dụ: “Như cuốn sách 'Con đường tương lai' chẳng hạn, nhà văn Xuân Tuấn có những cách quản trị rất hay về tài chính, có những mở mang về văn hóa, có những giới thiệu về phong tục tập quán của người Việt, bản lĩnh của người Việt, thậm chí thói hư tật xấu của người Việt. Do vậy, chúng ta đọc để chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm để chúng ta thực hành”.
Như vậy, có thể khẳng định, để tri thức thực sự lan tỏa và phát huy giá trị trong đời sống chính trị cơ sở, cần có sự chung tay của cả hệ thống. Những mô hình điểm sáng như xã Chí Minh (Hưng Yên) và phường Hoàng Liệt (Hà Nội), cùng vai trò tích cực của đội ngũ trí thức và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, tri thức đang ngày càng trở thành nền tảng quan trọng cho sự phát triển của địa phương.
Việc tiếp nhận và ứng dụng tri thức không còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên mà là yêu cầu tất yếu để xây dựng một nền chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, thực sự vì nhân dân phục vụ.